Chủ nhật, 10/03/2019 01:18

Sàn giao dịch công nghệ: Một số vấn đề cần quan tâm

TS Đào Quang Thủy

 

Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN

Bộ KH&CN

 

Sàn giao dịch công nghệ (GDCN) được xem là một yếu tố cấu thành quan trọng trong mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ. Tuy nhiên cho đến nay, số lượng các sàn GDCN ở nước ta không những hạn chế về số lượng mà tỷ trọng giao dịch thành công cũng chưa được như mong muốn. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn GDCN là yêu cầu cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng và làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Thực trạng chất lượng hoạt động các sàn GDCN

Hiện nay trên cả nước có 17 sàn GDCN online và offline, gồm: Chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam: www.techmartvietnam.vn; Cổng thông tin giao dịch công nghệ TP Hồ Chí Minh: http://techport.vn; Chợ công nghệ và thiết bị Hà Nội: www.techmarthanoi.vn; Sàn giao dịch công nghệ thiết bị Hải Phòng: www.hatex.vn; Sàn Đà Nẵng: www.techmartdanang.vn; Sàn Cần Thơ: http://catex.vn; Sàn An Giang: http://atte.vn; Sàn Quảng Ninh: http://techmartquangninh.com.vn; Sàn Nghệ An: http://natex.com.vn; Sàn Hải Dương: http://www.techmarthaiduong.vn; Sàn Bắc Giang: http://batex.vn; Sàn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://bavutex.vn; Sàn Vĩnh Phúc: http://vptex.vn; Sàn Quảng Trị: http://techmartquangtri.com.vn; Sàn Thái Nguyên: http://tatex.vn/; Thái Bình và Lai Châu (đang thành lập sàn giao dịch điện tử). Các địa phương đang triển khai xây dựng sàn GDCN là: Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Dương.

Phần lớn các sàn này đang hoạt động với tư cách là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) tự chủ, tự chịu trách nhiệm thuộc các Sở KH&CN, được Nhà nước đảm bảo một phần kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên. Hoạt động chính của các sàn bao gồm: i) tư vấn và chuyển giao công nghệ, ii) thông tin công nghệ, iii) tổ chức các sự kiện về KH&CN.

Hoạt động tư vấn và chuyển giao công nghệ: công tác tư vấn, kết nối cung cầu, môi giới chuyển giao công nghệ là hoạt động chính của các sàn. Một số sàn có hoạt động tương đối sôi nổi, như Sàn GDCN Hải Phòng có kết quả hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ năm 2018 như sau: tư vấn, kết nối gần 565 cuộc cho các doanh nghiệp gặp gỡ, thương thảo, ký kết hợp đồng (trong đó có 364 hợp đồng được ký kết với tổng giá trị trên 472 tỷ đồng); tư vấn xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ cho 25 doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai, thực hiện nhiệm vụ KH&CN và thành lập doanh nghiệp KH&CN cho 18 doanh nghiệp; tư vấn, chuyển giao sàn trực tuyến cho Nghệ An, Bà Rịa - Vũng tàu, Vĩnh Phúc, Hải Dương; mở 30 lớp đào tạo về quản trị công nghệ, năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ...

Tuy nhiên nhìn chung, hoạt động tư vấn và chuyển giao công nghệ của các sàn vẫn còn sơ khai, chưa hình thành mạng lưới, hệ thống mà chủ yếu chỉ đang tập trung vào công tác tư vấn đơn lẻ. Nếu so sánh với một số sàn GDCN trong khu vực thì các sàn GDCN ở Việt Nam vẫn chưa khẳng định được vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, gia tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Hoạt động của các Sàn GDCN mới chỉ dừng ở mức độ giao dịch nhỏ lẻ, số lượng giao dịch còn ít, giá trị giao dịch thành công chưa cao. Nếu so sánh Sàn GDCN Hải Phòng ở thời điểm hiện tại với Sàn GDCN Thượng Hải - Trung Quốc thì còn khoảng cách rất xa, cụ thể năm 2011 Sàn GDCN Thượng Hải - Trung Quốc có giá trị giao dịch thành công là 55 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 200 nghìn tỷ đồng) với trên 29.000 giao dịch (trên 90% giao dịch) thành công.

Theo báo cáo từ các sàn GDCN, giá trị mua bán, chuyển giao thiết bị công nghệ, quy trình công nghệ tại các sàn đang có xu hướng thấp dần. Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ ràng nên các Sàn GDCN có thể có cách hiểu khác nhau về khái niệm “giao dịch” và thực hiện giao dịch công nghệ dẫn đến việc thống kê giá trị giao dịch có thể bị sai lệch so với thực tế. Ngoài ra do một số sàn GDCN mới thành lập, còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, như Sàn GDCN Nghệ An, Bắc Giang, Thái Bình.

Bảng 1. Giá trị GDCN năm 2017 và 2018 của một số sàn.

Đơn vị: tỷ đồng

STT

Sàn GDCN

Năm 2017

Năm 2018

1

Sàn GDCN Nghệ An

7,0

8,0

2

Sàn GDCN Hải Phòng

81,0

105,0

3

Sàn GDCN Thái Bình

0,35

0,2

 

Tổng cộng

88,35

113,2

 

Số liệu ở bảng 1 cho thấy, giá trị giao dịch của các sàn GDCN còn khiêm tốn. Nguyên nhân do thị trường công nghệ ở nước ta còn đang trong giai đoạn phát triển, giao dịch mua bán công nghệ tại các sàn GDCN hiện nay chủ yếu là máy móc, thiết bị hoặc dây chuyền công nghệ mà chưa đi vào giao dịch mua bán các tài sản trí tuệ. Công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội có được chủ yếu thông qua nhập công nghệ. Trong khi đó, các viện nghiên cứu, trường đại học… đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp. Đồng thời, do nhân lực làm việc tại các sàn GDCN còn thiếu kỹ năng vì chưa được đào tạo kiến thức cơ bản và chuyên sâu về tư vấn, môi giới chuyển giao, đánh giá và định giá công nghệ, nên việc xúc tiến, thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ KH&CN qua sàn GDCN còn hạn chế.

Hoạt động thông tin công nghệ: từ năm 2015, một số sàn GDCN đã bắt đầu hình thành mối liên kết, hợp tác để chia sẻ thông tin về công nghệ phục vụ cho việc môi giới và chuyển giao công nghệ, thông qua việc phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn để kêu gọi và giới thiệu công nghệ, thiết bị mới tham gia vào sàn GDCN. Đồng thời, các sàn thường xuyên kiểm tra, xác thực thông tin báo cáo hoạt động hàng tháng, quý, phát triển nội dung, thu hút doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm, tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu thiết bị và công nghệ phục vụ nhu cầu tìm kiếm của người dùng.

Tại Sàn GDCN Hải Phòng, đến nay có gần 4.300 viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tham gia là thành viên; gần 21.000 thông tin công nghệ và thiết bị chào bán; trên 3.000 lượt người truy cập/ngày, trong đó có khoảng 500-700 lượt trao đổi, giao dịch.

Trong năm 2017, các sàn có khoảng gần 10.000 sản phẩm được chào bán. Số liệu báo cáo cũng cho thấy cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, thiết bị công nghệ của các sàn GDCN còn ít, chưa được đầu tư thỏa đáng: cụ thể như sàn GDCN TP Hồ Chí Minh hiện nay mới có khoảng gần 5.000 thông tin về các thiết bị, sản phẩm công nghệ; trong khi đó cơ sở dữ liệu của sàn GDCN Thượng Hải - Trung Quốc ở cùng thời điểm có trên 40.000 thông tin công nghệ.

Hoạt động tổ chức các sự kiện về KH&CN: nhiều sự kiện KH&CN được các Sàn GDCN phối hợp với các đơn vị tổ chức nhằm trưng bày, giới thiệu, trình diễn công nghệ và đạt được những thành công nhất định. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã quan tâm hơn tới việc đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ nên tìm tới các khu trưng bày, triển lãm, chợ công nghệ để tìm kiếm, mua - bán sản phẩm, thiết bị công nghệ. Thông qua các khu trưng bày giới thiệu này cũng đã có nhiều cuộc kết nối, yêu cầu tìm kiếm công nghệ diễn ra và đặc biệt có nhiều giao dịch mua - bán, trao đổi thành công với giá trị cao.

Ví dụ Sàn GDCN Hải Phòng đã tổ chức và tham gia 94 chương trình, hội thảo giới thiệu công nghệ/thiết bị; 2 phiên bán đấu giá công nghệ; 30 kỳ hội chợ, triển lãm cho các doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu công nghệ thiết bị; 8 phiên kết nối thị trường công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài: Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc; tổ chức 7 cuộc cho các tổ chức, đơn vị tham quan, học tập các mô hình công nghệ trong và ngoài nước: Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan. Trong thời gian gần đây, số lượng sự kiện về KH&CN được tổ chức tại các sàn đang có xu hướng giảm dần.

Đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động các sàn GDCN

Các kết quả đạt được

Trong thời gian qua, việc thành lập các sàn GDCN đã mang lại một số kết quả khả quan, khẳng định vai trò là một trong những giải pháp có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động trung gian của thị trường công nghệ. Các sàn GDCN đã hỗ trợ kết nối một số giao dịch giữa các nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp và tỷ trọng giao dịch thành công chiếm 0,2-0,5%. Bước đầu đã hình thành mạng lưới liên kết giao dịch giữa nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp để chuyển giao các kết quả nghiên cứu qua dịch vụ hỗ trợ của sàn GDCN.

Công tác vận động, tiếp thị đến khối viện, trường và doanh nghiệp cung ứng công nghệ đã hình thành nguồn cung ban đầu cho các sàn GDCN. Các sàn GDCN đã tổ chức nhiều sự kiện thành công, như các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ và thiết bị, thu hút được sự quan tâm của các khối doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Các Techmart chuyên ngành, hội nghị, hội thảo giới thiệu, trình diễn công nghệ mới, sản phẩm mới với các chủ đề phù hợp với yêu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh của từng địa bàn nên thu hút nhiều khách tham dự, phát sinh nhiều yêu cầu tìm hiểu sâu về công nghệ và thiết bị. Đây cũng là tiền đề cho việc ký kết các hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ sau này.

Hoạt động tư vấn, kết nối chuyển giao công nghệ được tập trung đẩy mạnh và nâng cao từng bước, từ quy trình nghiệp vụ đến các kỹ năng chuyên môn, hỗ trợ thiết thực cho việc gia tăng khả năng kết nối chuyển giao. Mạng lưới chuyển giao công nghệ qua sàn GDCN bước đầu đã được thiết lập, tạo bước chuyển kết nối giữa các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trong các hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ.

Một số hạn chế, bất cập

Mặc dù được coi là “nơi hội tụ” của cung - cầu và các hoạt động trung gian của thị trường công nghệ như môi giới, tư vấn, thẩm định, giám định, chuyển giao công nghệ, định giá công nghệ… nhưng do số lượng ít, mức độ tự chủ thấp, nguồn lực tài chính còn hạn chế, nên hoạt động của các sàn GDCN còn khiêm tốn, sàn nào cũng gặp những khó khăn riêng. Trước hết là khó khăn về nguồn cung: những thiết bị, công nghệ được giới thiệu trên các sàn GDCN hạn chế về số lượng và chủng loại. Nhiều doanh nghiệp cho biết, nguồn cung về công nghệ của các sàn khá khiêm tốn nên họ không mấy mặn mà khi tham gia giao dịch vì không tìm được cái mình cần. Trong khi đó, phần lớn các sàn GDCN đang gặp khó khăn trong việc nắm bắt, cập nhật nhu cầu đổi mới, tiếp thu công nghệ cũng như tìm kiếm, bổ sung kịp thời thiết bị, công nghệ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp do hạn chế về năng lực nhân sự cũng như tài chính.

Cán bộ tham gia quản lý, vận hành các sàn GDCN còn yếu cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ thực hiện tư vấn, môi giới và chuyển giao công nghệ chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn chưa cao. Không ít cán bộ trẻ gặp khó khăn khi tiếp cận và giới thiệu các công nghệ mới phù hợp cho doanh nghiệp. Trong khi đó hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn chuyên gia lựa chọn công nghệ, tư vấn về pháp lý, sở hữu trí tuệ… là một trong những công việc quan trọng để các sàn thu hút được sự quan tâm, tham gia của doanh nghiệp.

Một khó khăn nữa là yếu tố tâm lý và nếp suy nghĩ của các cá nhân: người mua và người bán vẫn chưa có thói quen chuyển giao công nghệ; người bán công nghệ thường khó tiếp cận người mua vì hạn chế đầu mối hoặc kênh thông tin kết nối để đáp ứng công nghệ đúng nhu cầu của người mua. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng chưa chú ý tới việc tìm kiếm chuyên gia tư vấn trong các khâu của quy trình chuyển giao công nghệ.

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động các sàn GDCN

Sự phát triển của thương mại điện tử và làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra môi trường giao dịch, trao đổi, chuyển giao công nghệ, thiết bị ngày càng thuận lợi và thống nhất, do đó áp lực đổi mới của các sàn GDCN trong thời gian tới là rất lớn. Để có thể bắt kịp xu thế của thời đại, các vấn đề sau cần được các sàn GDCN, cũng như các đơn vị quản lý sớm quan tâm giải quyết:

Một là, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ vận hành sàn GDCN: tập huấn, đào tạo cho đội ngũ vận hành các sàn GDCN các kỹ năng quản trị; phương pháp đánh giá và định giá công nghệ; chuyển giao kết quả nghiên cứu; tư vấn, môi giới và chuyển giao công nghệ; phối hợp với một số tổ chức nước ngoài để bồi dưỡng chuyên môn cho các cán bộ, chuyên viên vận hành sàn GDCN về các kỹ năng gọi vốn đầu tư; tư vấn, môi giới và chuyển giao công nghệ; thu hút bên có công nghệ và bên cần công nghệ.

Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức sự kiện, qua đó tổ chức các buổi tọa đàm để đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc chia sẻ thông tin về công nghệ, tư vấn và môi giới chuyển giao công nghệ, các bài học thành công trong việc tìm kiếm đối tác giao dịch qua sàn GDCN.

Ba là, cần đẩy mạnh hoạt động mạng lưới liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với sàn GDCN: phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để tìm kiếm các sản phẩm KH&CN có tiềm năng thương mại hóa để xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ và thiết bị, các sáng chế từ các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bằng phương thức phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên ngành, triển lãm các sản phẩm sáng tạo, phát động hội thi nghiên cứu KH&CN để lựa chọn ra các sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa.

Bốn là, chú trọng ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật để kết nối các sàn giao dịch cấp quốc gia và cấp địa phương lại với nhau, cùng nhau chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về chào bán, tìm kiếm công nghệ, thiết bị doanh nghiệp đang cần đổi mới; xây dựng cơ chế kỹ thuật để tích hợp các nguồn thông tin phân tán thành một khối nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập của nguồn thông tin để người dùng truy cập hệ thống dữ liệu thông tin một cách đầy đủ. Theo xu thế phát triển của các sàn GDCN trên thế giới, công nghệ đấu giá trực tuyến cần được các sàn sớm học hỏi và áp dụng.

Năm là, tăng cường công tác truyền thông: chủ động phối hợp với các báo, đài trung ương để tuyên truyền, phổ biến, thực thi các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, sàn GDCN cho các tổ chức, cá nhân, cụ thể: tăng cường tuyên truyền trên truyền hình: bằng các chương trình như đối thoại chính sách về sàn GDCN, tổ chức trung gian, thị trường KH&CN; tăng cường tuyên truyền trên các báo: viết về các doanh nghiệp điển hình chuyển giao công nghệ thành công, các công nghệ tiêu biểu, các lĩnh vực công nghệ ưu tiên, cách thức chuyển giao và ứng dụng công nghệ; tăng cường phối hợp với các trung tâm khuyến nông của địa phương giới thiệu công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật mới và tư vấn hỗ trợ miễn phí cách thức, phương thức đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ.

Hy vọng rằng trong thời gian tới các sàn GDCN sẽ tiếp tục được đầu tư, quan tâm hơn nữa để sớm khắc phục được những hạn chế đang tồn tại, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia.

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2012), Nghị quyết số 20 NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

3. Quốc hội (2013), Luật KH&CN.

4. Quốc hội (2017), Luật Chuyển giao công nghệ.

5. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 418/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2015-2020.

6. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 2075 về việc phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020.

7. Phạm Hồng Quất (2013), Nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển sàn GDCN cho Việt Nam, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN.

8. Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (2015, 2016), Báo cáo tổng kết Hội nghị phát triển thị trường KH&CN.

9. Hoàng Xuân Long (2009), Nghiên cứu phát triển hoạt động tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN.

10. Hoàng Xuân Long, Chu Đức Dũng (2009), “Giải pháp phát triển hoạt động tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ ở Việt Nam”, Tạp chí những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, 8(160), tr.53-64.

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)