Thứ sáu, 29/05/2020 09:14

Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 và những đóng góp trong lĩnh vực nông nghiệp

Mặc dù vẫn đang trong quá trình triển khai, nhưng Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến 2020 (Chương trình) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Điển hình có thể kể đến: sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, năng suất cao; vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi; nấm ăn và nấm dược liệu; cà phê Việt Nam chất lượng cao; tôm và tôm nước lợ…

Tạo đột phá trong ngành, lĩnh vực

Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, việc xác định ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm trọng điểm quốc gia có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh với quốc tế là một quyết sách đúng đắn. Theo đó, việc triển khai Chương trình không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tạo sự gắn kết giữa lực lượng nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp mà quan trọng hơn là tạo ra sự đột phá trong các ngành, lĩnh vực nói chung và lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Chương trình đã nâng cao được năng lực nghiên cứu, làm chủ các công nghệ tiên tiến, tăng cường trang thiết bị phục vụ cho mục tiêu phát triển của tổ chức, doanh nghiệp.

Nhờ tham gia Chương trình, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt quy mô giá trị hàng nghìn tỷ đồng, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Một số sản phẩm đã khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực công nghiệp, hàng loạt các doanh nghiệp lớn tiếp tục khẳng định vị trí, thương hiệu như sản phẩm của Tập đoàn công nghiệp Viettel, Vinfast, Trường Hải, Công ty CP thiết bị điện Đông Anh, Viglacera, Minh Long... Trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực chế biến quy mô ngày càng lớn như Lavifood, Doveco, Nafoods Group, Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Bình Seed… Hầu hết các nhiệm vụ thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia được thiết kế theo chuỗi giá trị gồm các giai đoạn nghiên cứu, triển khai và thương mại hóa sản phẩm cuối cùng ở quy mô lớn.

Một số kết quả bước đầu

Đối với sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, năng suất cao

Đã chọn tạo được 18 giống lúa: GL37, HD11, GL516, GL97, VN20, ĐH12, NA06 (mở rộng vùng sản xuất ở phía Nam), TBR279, Đông A1, TBR89, BC15 (mở rộng sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long), OM20, OM429, OM375, OM402, OM10636, OM8, BĐR7. Số lượng giống lúa mới chọn tạo đạt cao hơn yêu cầu số lượng giống đề ra (11-15). Có 4 giống lúa được công nhận sản xuất chính thức (ĐH12, BC15, TBR279, Đông A1). Đối với các giống lúa còn lại (ở mức độ công nhận sản xuất thử) sẽ đề nghị công bố lưu hành vào cuối năm 2020. Các giống lúa cơ bản đáp ứng mục tiêu sản phẩm về năng suất và chất lượng, chống chịu rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, chống đổ, khả năng thích nghi rộng.

Đã xây dựng, hoàn thiện được 3 gói “kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến” cho 3 vùng sản xuất lúa trọng điểm (Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long). Các gói kỹ thuật cơ bản đã chứng minh được hiệu quả trong sản xuất lúa thông qua giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường khi trình diễn tại các điểm mô hình và sản xuất liên kết doanh nghiệp. Tùy theo quy trình tại các vùng sản xuất, đã giảm lượng đạm bón 25-30 kg/ha (22-33%), lân 35-40 kg/ha (31-45%), kali 40-50 kg/ha (38-50%); giảm 2,8-3,3 triệu đồng/ha nếu sử dụng mạ khay - cấy máy, giảm 2,438-2,865 triệu đồng/ha nếu phun thuốc và bón phân bằng máy, giảm khí phát thải 98,2-117,1 kg/ha/vụ. Gói kỹ thuật đã được thử nghiệm trên quy mô diện tích 30-50 ha/mô hình. Nhìn chung, áp dụng gói kỹ thuật đã giảm chi phí sản xuất so với canh tác theo tập quán trung bình 4,2-7,966 triệu đồng/ha, tăng hiệu quả kinh tế 17,5-36,9%. Theo kế hoạch từ năm 2020 có khoảng 10.000- 20.000 ha/vùng ứng dụng gói kỹ thuật sản xuất lúa.

Thông qua Chương trình, đã sản xuất được 212,9 tấn giống lúa siêu nguyên chủng; 8.786,3 tấn giống lúa nguyên chủng và trên 161.253 tấn giống lúa xác nhận phục vụ sản xuất đại trà. Đã phối hợp với các doanh nghiệp và các địa phương xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất giống, mô hình liên kết sản xuất giống lúa các cấp, sản xuất lúa thương phẩm, mô hình trình diễn gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến với tổng diện tích trên 150.000 ha.

Đối với sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi

Các dự án phát triển vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi theo khung của Chương trình cơ bản đang được thực hiện. Kết quả bước đầu đạt được như sau: đã có 1 vắc xin cúm được lưu hành, mỗi năm sản xuất khoảng 200 triệu liều; 1 vắc xin cúm đang tiến hành kiểm nghiệm quốc gia. Dự án KH&CN "Công nghệ sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 cho gia cầm" do Công ty Navetco chủ trì đang được triển khai tốt (Công ty đã đầu tư nhà máy sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn GMP-WHO với giá trị trên 150 tỷ đồng). Đối với dự án “Công nghệ sản xuất vắc xin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu đang chuyển giao cho Công ty cổ phần phát triển công nghệ nông thôn đăng ký để sản xuất. Để nghiên cứu được loại vắc xin này, Học viện đã đầu tư phòng thí nghiệm đạt điều kiện an toàn cấp 2 và khu sản xuất thử nghiệm, với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng.

Với sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, Chương trình đã góp phần đào tạo được đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là các chuyên gia về công nghệ gen để làm chủ được các công nghệ sản xuất vắc xin tiên tiến hiện nay trên thế giới, đáp ứng kịp thời nhu cầu vắc xin phòng bệnh khi có dịch bệnh mới và các biến chủng mới; chủ động sản xuất vắc xin trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu

Đã chọn được 12 giống nấm mới (2 giống mới/mỗi chủng loại của 6 loại nấm chủ lực) gồm: nấm mỡ (năng suất cao, đạt 318,2-320 kg/tấn nguyên liệu, tăng 16,5-19,2%); nấm rơm (năng suất cao, đạt 150,7-153,2 kg nấm tươi/tấn nguyên liệu, tăng 16-18%); nấm mộc nhĩ (năng suất cao, đạt 705,7-721,3 kg nấm tươi/tấn nguyên liệu, tăng 13-18%); nấm đùi gà (năng suất nấm tươi ổn định, đạt 251,2-254,8 kg/tấn nguyên liệu, tăng 15%); nấm sò (năng suất cao, ổn định, đạt 660,8-701,5 kg nấm tươi/tấn nguyên liệu, tăng 15-26%); nấm linh chi (năng suất nấm khô cao, đạt 30,5-33,7 kg/tấn nguyên liệu, tăng 16,8-23,4%, hàm lượng polysaccharide ≈ 0,7% và triterpenoid >2 mg/g).

Hoàn thiện 6 quy trình nhân giống cấp I, cấp II, cấp III cho 6 loại nấm đảm bảo chất lượng giống sinh trưởng khỏe, tỷ lệ nhiễm <5%; các quy trình chi tiết, ngắn gọn, dễ áp dụng và phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam; hoàn thiện 6 quy trình công nghệ sản xuất nấm quy mô công nghiệp cho 6 loại nấm, năng suất tăng 11-15% so với quy trình hiện có, hiệu quả kinh tế tăng 15-19%. Hoàn thiện quy trình phòng trừ sâu bệnh bao gồm các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh trên nấm, hiệu lực phòng trừ đạt trên 80%, nâng cao hiệu quả kinh tế 15-20%, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoàn thiện lắp đặt dây chuyền sản xuất nấm quy mô công nghiệp công suất máy đóng lọ khoảng 4.000 lọ/giờ, gấp 1,84 lần so với thiết bị công nghệ cũ. Hiệu suất lao động tăng 215%, giảm tỷ lệ hư hỏng dưới 10%, năng suất nấm tăng 24,69%, có thể tạo ra 4 tấn nấm tươi/ngày, tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cạnh tranh cao.

Sản xuất giống nấm và mô hình trình diễn công nghệ: chuyển giao 135,4 tấn giống của 4 loại nấm (sò, linh chi, mộc nhĩ, đùi gà) để tạo sản lượng nấm 3.252,7 tấn và 26.000 lít giống dạng dịch thể để sản xuất ra 476 tấn nấm thành phẩm. Chuyển giao thử nghiệm ứng dụng quy trình tại một số cơ sở sản xuất nấm quy mô lớn: 57,2 tấn nguyên liệu tạo ra 216 tấn nấm sản phẩm.

Sản phẩm cà phê Việt Nam chất lượng cao

Đã chọn lọc được 13 mẫu giống cà phê vối và 4 mẫu giống cà phê chè chất lượng cao (đạt chất lượng cà phê đặc sản với thang điểm trên 80 điểm). Triển khai trồng mới 10,7 ha để so sánh, đánh giá giống triển vọng. Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là bón phân chậm tan có kiểm soát - CRF và phân bón hòa tan đã tiết kiệm 15-20% lượng phân bón; áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch giúp tiết kiệm 40% công thu hoạch (góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận 5,28 triệu đồng/ha). Hiệu quả kỹ thuật của mô hình cà phê chè đạt 9,21% và mô hình cà phê vối là 9,07%.

Xây dựng 130 ha mô hình cà phê vối, cà phê chè áp dụng gói kỹ thuật GAP/BAP, trồng xen và theo hướng cơ giới hóa, tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%. Sản xuất và cung cấp cho sản xuất 3.000 kg hạt giống TRS1; 120.000 cây giống ghép TR14 và TR15; 100.000 cây cà phê chè thực sinh THA1; 900.000 cây thực sinh TRS1...

Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lựa chọn thông số để tối ưu hóa hoạt động của các máy trong dây chuyền chế biến ướt (cà phê chè và cà phê vối), gồm: rửa quả, tách que lá cành, bóc vỏ và tách quả xanh, bóc tách vỏ thịt, tách quả sót trong cà phê thóc ướt, đánh nhớt. Đã lắp đặt, chuyển giao một mô hình chế biến ướt cà phê vối tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai). Đã chế tạo hoàn chỉnh 2 hệ thống thiết bị sơ chế cà phê (thiết bị sơ chế cà phê vối quả 3,5 tấn/giờ, tiết kiệm 50% nước, thiết bị sơ chế cà phê chè quả 5 tấn/giờ, tiết kiệm 50% nước) và xây dựng mô hình ứng dụng trong sản xuất.

Ngoài ra, Chương trình cũng đã cơ bản chế tạo xong các thiết bị chính của hệ thống sấy phun 250 kg/giờ; hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất cà phê rang và các sản phẩm cà phê rang xay; hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất cà phê hòa tan (sấy phun và sấy thăng hoa)…

Sản phẩm tôm và tôm nước lợ

Chương trình đã hỗ trợ hoàn thiện quy trình ương nuôi tôm sú chọn giống tiền thành thục cho 2 dòng gia đình/lần nuôi, thời gian ương nuôi đến giai đoạn thành thục 10 tháng, tôm bố mẹ đạt kích thước 80-100 g/con; tỷ lệ sống giai đoạn ương đến thành thục đạt trên 40%, tỷ lệ thành thục sau cắt mắt >85%; sức sinh sản tôm cái: >500.000 ấu trùng/lần đẻ. Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bằng nước biển ven bờ đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Thiết kế và quy trình vận hành hệ thống nuôi tôm sú bố mẹ thành thục và tiền thành thục đã được triển khai tại Ninh Thuận và sản xuất được 6.025 tôm sú bố mẹ…

Có thể nói, những kết quả của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đạt được là rất tích cực, bước đầu tạo sự đột phá trong các ngành, lĩnh vực nói chung và lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng, giúp làm chủ và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, hỗ trợ phát triển có hiệu quả đối với các sản phẩm trọng điểm, chủ lực quốc gia. Chương trình cũng góp phần nâng cao năng lực, hình thành các doanh nghiệp đi tiên phong; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ KH&CN, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)