Thứ tư, 17/06/2020 16:08

Để EVFTA trở thành động lực thúc đẩy công cuộc phát triển

PGS.TS Vũ Minh Khương

Đại học Quốc gia Singapore

Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được Quốc hội châu Âu phê chuẩn ngày 12/2/2020 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 8/6/2020 đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong hành trình hội nhập quốc tế. Là quốc gia ASEAN thứ hai ký kết hiệp định thương mại tự do với EU, chỉ sau Singapore chưa đầy một năm, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rất cao trong nỗ lực gắn kết sâu với các quốc gia tiên tiến để thúc đẩy công cuộc phát triển.

Ngày 8/6/2020, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn EVFTA với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Điều đáng lưu ý là, trong quá trình tiến đến EVFTA, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong thâm nhập mạnh mẽ thị trường EU. Thực vậy, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 10 lần trong hơn một thập kỷ qua, từ xấp xỉ 4 tỷ USD năm 2005 lên trên 41 tỷ USD năm 2018. Với tốc độ tăng trưởng rất nhanh này, tỷ trọng của Việt Nam trong xuất khẩu của ASEAN vào thị trường EU tăng từ 5% năm 2005 lên 26% năm 2018, và năm 2018 cũng đánh dấu việc Việt Nam trở thành quốc gia ASEAN có xuất khẩu lớn nhất vào EU. Ngoài ra, giao thương với EU cũng đem lại cho Việt Nam thặng dư thương mại lớn và tăng nhanh, từ 1,87 tỷ USD năm 2005 lên trên 28 tỷ năm 2018.
Quy mô xuất khẩu và thặng dư thương mại của Việt Nam vào thị trường EU cho thấy vai trò chiến lược của EVFTA với Việt Nam không chỉ nằm ở cơ hội mở rộng thị trường mà quan trọng hơn, ở thời cơ nâng cấp nền tảng và động lực chiến lược để Việt Nam gắn kết sâu sắc và bền vững với EU trong hành trình hiện đại hóa đất nước. Cách tiếp cận này đòi hỏi Việt Nam đặc biệt coi trọng ba hướng đi ưu tiên sau: phát triển thị trường EU theo chiều sâu; gia cường nền tảng quan hệ chiến lược Việt Nam - EU, và biến EVTFA thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách.

Phát triển thị trường EU theo chiều sâu
Chiến lược này tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu sâu sắc thị trường và chuẩn mực kinh doanh của EU, nâng cao uy tín về chất lượng sản phẩm và độ tin cậy, và không ngừng học hỏi để đổi mới sáng tạo. Chiến lược này có thể chọn ra một số nhóm sản phẩm cần ưu tiên đặc biệt dựa trên 5 tiêu chuẩn khách quan sau: (i) tỷ trọng trong tổng xuất khẩu vào thị trường EU; (ii) có tốc độ tăng trưởng cao trong xuất khẩu vào EU giai đoạn 2015-2018; (iii) tỷ trọng cao của Việt Nam trong xuất khẩu vào EU của ASEAN - một chỉ số có thể được coi là lợi thế so sánh của Việt Nam trong đại diện nền kinh tế ASEAN; (iv) có tiềm năng lớn trong nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng và tăng trưởng năng suất lao động; và (v) là lĩnh vực có ý nghĩa nền tảng trong phát triển quan hệ giao thương Việt Nam - EU với triển vọng ngày càng lớn trong tương lai.

Trong khi các tiêu chí (iv) và (v) đòi hỏi các khảo sát kỹ càng để có kết luận xác đáng; các tiêu chí (i), (ii), (iii) có thể giúp tìm ra các nhóm sản phẩm cần ưu tiên từ số liệu thống kê hàng năm của tổ chức thương mại quốc tế. Bảng 1 tổng hợp các nhóm sản phẩm với giá trị xuất khẩu năm 2018 trên 100 triệu USD và đạt mức cao trong ít nhất 1 trong 3 tiêu chí (i), (ii), (iii).

Bảng 1. Xuất khẩu vào EU và các nhóm hàng cần ưu tiên của Việt Nam.

Chú thích: *Một số ngành có giá trị xuất khẩu, tỷ trọng và tỷ lệ tăng trưởng giai đoạn 2015-2018 thấp, không phải là những nhóm hàng cần ưu tiên của Việt Nam nên không đưa vào bảng này; **MMTB: máy móc thiết bị (nguồn: tác giả tính toán từ kho số liệu của Tổ chức thương mại thế giới - WTO).

Một số hàm ý chính sách có thể rút ra từ bảng 1: nhóm sản phẩm “MMTB điện và điện thoại” quan trọng cả về tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu (42,5%), tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm qua (15,2%), và tỷ trọng trong tổng xuất khẩu của ASEAN (38,2%). Các chỉ số này cho thấy nhóm ngành MMTB điện tử và điện thoại cần được ưu tiên toàn diện, đặc biệt là trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều nhóm sản phẩm đạt mức cao ở một tiêu chí nhưng thấp ở tiêu chí khác. Chẳng hạn, 4 nhóm sản phẩm (“Giày dép”; “Lò hơi, máy móc và thiết bị cơ khí”; “Quần áo không dệt kim”; và “Cà phê, chè, gia vị”) có tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu nhưng tốc độ tăng trưởng thấp (dưới 5%); do vậy, chính sách cần giúp nhóm sản phẩm này tăng tỷ lệ giá trị gia tăng nhờ đầu tư vào công nghệ, mẫu mã, và phân phối thay vì thúc đẩy mở rộng về số lượng. Bên cạnh đó, các nhóm sản phẩm “Thiết bị quang học và y tế”, “Sắt thép”, và “Máy bay và thiết bị hàng không”, tuy số lượng chưa thật lớn nhưng có mức tăng trưởng rất cao, tương ứng là 51,6%, 54,9% và 41,5%. Do vậy, các nhóm sản phẩm này cần được ưu tiên đặc biệt để duy trì mức tăng trưởng cao trong các năm tới.

Gia cường nền tảng quan hệ chiến lược Việt Nam - EU

EU không chỉ là một thị trường xuất khẩu lớn và hào hiệp mà còn là một đối tác chiến lược quan trọng để Việt Nam học hỏi trong nỗ lực đẩy nhanh công cuộc phát triển. Do vậy, gia cường nền quan hệ chiến lược Việt Nam - EU cần được coi là ưu tiên tối thượng. Nó đòi hỏi Việt Nam ý thức rất cao trong đáp ứng các chuẩn mực của EU và xây dựng lòng tin chiến lược. Đồng thời, Việt Nam cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp EU mở rộng xuất khẩu sang Việt Nam để thu hẹp mức thâm hụt thương mại.

Bảng 2 tổng hợp thông tin về các nhóm sản phẩm nhập khẩu từ EU mà Việt Nam nên ưu tiên hỗ trợ. Các nhóm sản phẩm này được chọn ra dựa trên 3 tiêu chí đơn giản: (i) tỷ trọng trong tổng nhập khẩu từ EU của Việt Nam; (ii) mức tăng trưởng nhập khẩu trong các năm 2015-2018; và (iii) có giá trị nhập khẩu trong năm 2018 từ 100 triệu USD trở lên.

Bảng 2. Nhập khẩu từ EU và các nhóm hàng Việt Nam nên lưu tâm hỗ trợ.

Chú thích: *Một số ngành có giá trị nhập khẩu, tỷ trọng và tỷ lệ tăng trưởng giai đoạn 2015-2018 thấp, không phải là nhóm hàng Việt Nam nên lưu tâm hỗ trợ, nên không đưa vào bảng này (nguồn: tác giả tính toán từ kho số liệu của WTO).

Bảng 2 cho thấy, ngoài “MMTB điện và điện thoại”, các nhóm sản phẩm “Dược phẩm”, “Thiết bị quang học và y tế”, “Nhựa và chế phẩm từ nhựa”, “Da thuộc”, “Sắt thép”, và “Hóa chất hữu cơ” có tầm quan trọng cả về tỷ trọng và tăng trưởng. Trong khi đó “Phương tiện cơ giới” (ô tô) có mức tăng trưởng thấp nên kỳ vọng mở rộng nhập khẩu sản phẩm này không lớn.

Biến EVFTA thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách

Là cộng đồng gồm nhiều quốc gia với trình độ phát triển khác nhau, EU có kinh nghiệm phong phú giúp các nước có mức phát triển thấp nâng cấp nền tảng phát triển và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của cộng đồng. Nhiều quốc gia như Ireland, Estonia, Ba Lan đã tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh cải cách và đã đạt được những thành quả ấn tượng.

Việt Nam có thể biến EVFTA thành một động lực thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phát triển. Trong đó, bước đi đầu tiên là xác định được rõ khoảng cách mà Việt Nam cần thu hẹp để đạt các chuẩn mực EU về tất cả các lĩnh vực phát triển then chốt, đặc biệt là an toàn sản phẩm, bảo vệ môi trường, minh bạch, chất lượng chính sách, và quản lý nền kinh tế số. Trên cơ sở xác định được rõ khoảng cách này, Việt Nam sẽ hoạch định lộ trình chiến lược để bắt kịp trình độ EU trong 2-3 thập kỷ tới. Đó là một cách đi thực tiễn và hiệu quả để đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp phát triển vào năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm ngày độc lập.

Thay lời kết

Khả năng tiến xa của một quốc gia trong công cuộc phát triển không chỉ nằm ở sự nhạy bén nắm bắt cơ hội để thu được những lợi ích kinh tế tức thời, mà quan trọng hơn, ở khả năng biến cơ hội thành dấu ấn phát triển mà cả dân tộc đồng lòng chấp nhận để cùng nhau làm nên những thành quả phi thường. EVFTA là một cơ hội rất quý để Việt Nam có thể làm nên một dấu ấn lịch sử như vậy.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)