Thứ sáu, 30/07/2021 11:12

Bối cảnh biến động toàn cầu và định vị lại Việt Nam

“Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu” là chủ đề của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam công bố tại hội thảo trực tuyến diễn ra ngày 29/7/2021. Một trong những nội dung của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2021 là phân tích bối cảnh mới với những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; từ đó đưa ra các giải pháp nhằm “định vị lại Việt Nam”.

Bối cảnh biến động toàn cầu

Các chuyên gia soạn thảo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 đã chỉ ra một số yếu tố tạo nên bối cảnh mới như: đại dịch COVID-19, xu hướng số hóa nền kinh tế, cạnh tranh chiến lược và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn…

Đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng mà tác động của nó chỉ sau hai cuộc Thế chiến và Đại suy thoái năm 1930. Nhiều quốc gia bước vào cuộc khủng hoảng trong tình trạng tài khóa bấp bênh và ít có khả năng đưa ra các phản ứng chính sách mạnh liên quan đến chăm sóc sức khỏe hoặc hỗ trợ sinh kế. Các biện pháp như giãn cách xã hội, tiêm chủng và điều trị y tế đã giúp làm chậm tiến trình lây lan virus và cứu mạng sống của nhiều người; đồng thời hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tương lai của thế giới vẫn còn khó dự đoán và phụ thuộc vào việc liệu các chủng mới của SARS-CoV-2 có nhạy cảm với vắc xin hay không; sự chậm trễ trong tiêm chủng, các phản ứng chính sách có hiệu quả hay không trong việc hạn chế những thiệt hại kinh tế dai dẳng; diễn biến của các điều kiện tài chính và giá cả hàng hoá; khả năng điều chỉnh của nền kinh tế.

Xu hướng số hóa nền kinh tế

Các ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ trên thế giới đều đẩy mạnh quá trình số hoá, đặc biệt đối với các ngành sản xuất tập trung tri thức, tập trung vốn. Xu thế kinh tế số trên ngày nay tập trung chính vào việc sử dụng công nghệ 5G, điện toán đám mây, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, máy học, quy trình sản xuất tự động hoá, công nghệ in 3D, ứng dụng vật liệu tiên tiến, đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo. Chương trình chuyển đổi số quốc gia (Quyết định số 749/QĐ-TTg) được chính thức phê duyệt tháng 6/2020 đã thể hiện quyết tâm hình thành nền kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số tại Việt Nam: thương mại điện tử bùng nổ (tăng trưởng trung bình gần 30%/năm trong giai đoạn 2014-2020); trong năm 2020, gần 2/3 doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng nền tảng số; Chính phủ điện tử cũng được triển khai với số dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng thông tin điện tử quốc gia và số lượt truy cập ngày càng gia tăng...

Thách thức từ biến đổi khí hậu toàn cầu

Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được. Điều này dẫn đến việc phải nhanh chóng tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững. Các chính sách về biến đổi khí hậu hiện đang được thông qua ở một số nước và các khối thương mại tự do sẽ có tác động cơ bản đến hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư. Nhiều quốc gia xác định phát triển xanh là chiến lược quan trọng giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các công ty đa quốc gia gặp phải những áp lực trong việc xây dựng những chuỗi giá trị không ảnh hưởng tới môi trường và tiến tới thiết lập những chuỗi giá trị có ảnh hưởng tích cực tới môi trường.

Cạnh tranh chiến lược và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn

Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng trở nên gay gắt. Nhiều dự báo cho rằng, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028. Các nước lớn do đó có sự điều chỉnh chính sách để một mặt duy trì, củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế; mặt khác nỗ lực ứng phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và dịch bệnh... Với phương châm “đưa nước Mỹ trở lại” củng cố vị trí siêu cường số một, Mỹ chú trọng khôi phục kinh tế sau đại dịch; phục hồi quan hệ với đồng minh và các đối tác; đối phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo sự lãnh đạo của Mỹ về công nghệ; cũng như xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Mỹ coi trọng và chủ trương củng cố quan hệ với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Bước sang giai đoạn phát triển mới, Trung Quốc đưa ra chiến lược “Vòng tuần hoàn kép” nhằm nâng cao năng lực độc lập và tự chủ về kinh tế và công nghệ, thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc XHCN hiện đại vào năm 2049.

Cơ hội và thách thức từ bối cảnh mới đối với Việt Nam

Cơ hội

Trên cơ sở phân tích bối cảnh mới hiện nay, các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN - đơn vị chủ trì Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 đã chỉ ra một số cơ hội đối Việt Nam: 1) Cơ hội gia tăng dấu ấn của Việt Nam trong dòng thương mại, đầu tư và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu; 2) Xu hướng chung trên thế giới và đại dịch COVID-19 đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam; 3) Thách thức từ biến đổi khí hậu và các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thách thức

Bên cạnh những cơ hội, bối cảnh mới cũng tạo ra những thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam, cụ thể là: 1) Đại dịch đã gây nên một cú sốc lớn cả phía cung và cầu, làm sụt giảm trầm trọng sản lượng toàn cầu nói chung và thương mại và đầu tư quốc tế; kéo theo sự thu hẹp trong hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế của Việt Nam; 2) Biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết bất thường, gây gián đoạn trong hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế, đặc biệt những ngành mà Việt Nam có tiềm năng và xuất khẩu nhiều như nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp... 3) Quá trình số hóa và xanh hóa nền kinh tế tạo ra các thách thức trong quá trình điều chỉnh chiến lược và mô hình phát triển từ cả khía cạnh quản trị (điều chỉnh chính sách của Nhà nước, điều chỉnh chiến lược, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp), cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; 4) Việc thực hiện các FTA làm gia tăng nhập khẩu và sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra sức ép cạnh tranh gay gắt đối với doanh nghiệp Việt Nam; 5) Nếu thiếu các cơ chế sàng lọc, giám sát, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy gia công, lắp ráp, thu hút FDI kém chất lượng khi tiếp nhận dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc và từ các nước khác nhằm tận dụng ưu đãi trong các FTA mà Việt Nam tham gia.

Giải pháp góp phần “định vị lại Việt Nam”

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 đã dành một dung lượng đáng kể cho các khuyến nghị chính sách (ngắn hạn và dài hạn) nhằm “định vị lại Việt Nam”.

Chính sách trong ngắn hạn

Báo cáo cho rằng, Chính phủ, các bộ/ngành và địa phương cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh COVID-19, phát triển vaccine trong nước và tận dụng các mối quan hệ chiến lược để tiến hành ngoại giao vaccine, ưu tiên đảm bảo nguồn cung và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhanh và hiệu quả cho đồng thời khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lẫn các nhóm hộ kinh doanh đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hạn chế và dãn cách xã hội ở khắp cả thành phố lớn và trung tâm kinh tế trọng điểm.

Đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Các dự án đầu tư không thiết yếu ở các địa phương cần được chấn chỉnh. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng là một định hướng quan trọng khi COVID-19 vẫn là một ẩn số, tương lai của nền kinh tế vẫn còn bất định.

Chính sách tiền tệ cần lưu ý đặc biệt đối với việc kiểm soát tăng trưởng cung tiền và định hướng dòng tín dụng vào khu vực sản xuất. Trong khoảng 10 năm gần đây tốc độ tăng cung tiền và tín dụng ở Việt Nam còn rất cao so với các nước trong khu vực cũng như so với tăng trưởng của nền kinh tế thực. Điều này khiến cho sức ép lạm phát giá cả tiêu dùng cũng như giá tài sản luôn thường trực trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán và bất động sản nóng như hiện nay, việc kiểm soát dòng tín dụng vào các thị trường này cũng cần được biệt lưu ý bên cạnh vấn đề nợ xấu.

Chính sách trong trung và dài hạn

Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một yêu cầu thường trực, trong đó cần nhận diện và khắc phục các rào cản để nâng cao thứ hạng trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0 (WEF).

Việt Nam cần tận dụng được thương mại và đầu tư để nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế trong tương lai. Để làm được điều này, cần thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của các FTA trong việc cải thiện lợi thế so sánh và giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), đồng thời tạo môi trường để các FTA phát huy hiện quả. Song song với điều này, để có thể giảm những tác động có thể có tiêu cực từ hội nhập, Việt Nam cần có những giải pháp để tăng sự chống chịu của nền kinh tế trên cơ sở tiếp tục đa đạng hoá thị trường và hàng hoá dựa trên mạng lưới FTA và lợi thế so sánh.

Hoạt động xuất nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Để có thể cải thiện TFP thông qua việc tham gia vào GVC, Việt Nam có thể thông qua việc thiết lập và gắn kết với các đối tác là các quốc gia có mức thu nhập cao hơn và phát triển hơn. Với mối liên kết sau, Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng và với hàm lượng công nghệ cao, cải thiện năng suất của mình. Với mối liên kết trước, Việt Nam có thể tiếp cận với những tiêu chuẩn và bí quyết từ đối tác xuất khẩu của mình.

Đối với ngành điện tử, Việt Nam nên tận dụng tốt vai trò của các FTA nhằm tăng cường sự kết nối với các đối tác chiến lược cả ở phía thượng nguồn và hạ nguồn; đa dạng các đối tác khác bên ngoài châu Á để giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào một số quốc gia nhất định trong khu vực. Việt Nam cũng cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu điện tử thông qua: (i) hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ; (ii) chủ động tìm kiếm đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài nhằm mở rộng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển; (iii) nâng cao hợp tác với các quốc gia khác nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; (iv) tích cực hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện xác nhận ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…

Để cải thiện vị thế của Việt Nam trong GVC ngành thực phẩm, cần tập trung vào 3 trụ cột chính, bao gồm chế biến (thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tốt hơn), sản phẩm (tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, phức tạp hơn hoặc có giá thành cao hơn) và chức năng (có được các kỹ năng mới trong chuỗi giá trị mà công ty chưa thực hiện trước đây). Về phía các cơ quan quản lý nhà nước: cần tập trung xúc tiến triển khai các cam kết cũng như ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau, hậu kiểm trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBT); khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ chế biến thực phẩm; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu Việt Nam cho ngành thực phẩm; tăng cường truyền thông về các ưu đãi đã cam kết trong FTA liên quan đến thực phẩm.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)