Thứ năm, 12/08/2021 16:23

Tăng cường liên kết kinh doanh để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam

Kinh tế tư nhân (KTTN) tại Việt Nam được xác định là khu vực kinh tế nằm ngoài khu vực kinh tế nhà nước (không bao gồm khu vực FDI), bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Hiện nay, KTTN tồn tại dưới các hình thức như: doanh nghiệp (DN) tư nhân, công ty TNHH, công ty CP (không có hoặc có vốn nhà nước dưới 50%) và các hộ kinh doanh cá thể. Kết quả nổi bật của đề tài cấp nhà nước “Tăng cường liên kết kinh doanh để phát triển KTTN Việt Nam”, mã số KX.01.26/16-20 do PGS.TS Đào Thu Giang chủ nhiệm, Trường Đại học Ngoại thương chủ trì đã phân tích sự thuận lợi, mức độ hài lòng, từ đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển KTTN Việt Nam.

Liên kết kinh doanh góp phần phát triển KTTN của Việt Nam.

Đánh giá sự thuận lợi và mức độ hài lòng trong liên kết kinh doanh

Kết quả nghiên cứu của đề tài KX.01.26/16-20 cho thấy, liên kết trong chuỗi giá trị vẫn là loại hình liên kết chính yếu khi DN thuộc khu vực KTTN triển khai các hợp đồng kinh tế với DN đối tác. Các hoạt động động mua đầu vào, bán đầu ra với các DN đối tác thuộc các thành phần kinh tế khác nhau là hình thức liên kết nổi trội. Ngược lại, các hình thức liên kết ở cấp độ cao hơn, hiện đại hơn, bao gồm liên kết để cùng nghiên cứu và phát triển, liên kết để tìm ra giải pháp mới, sản phẩm mới lại rất khiêm tốn. Điều này chứng tỏ trình độ liên kết, năng lực liên kết còn chưa cao và có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến cho khu vực KTTN chậm cất cánh và chưa phát huy được tiềm năng của mình.

Nhóm nghiên cứu của đề tài đã phân tích sự thuận lợi và mức độ hài lòng trong liên kết kinh doanh của DN tư nhân. Điểm nổi bật khi phân tích từ các dữ liệu thu thập được cho thấy, DN tư nhân cho rằng mức độ thuận lợi trong liên kết xết thứ tự ưu tiên như sau: liên kết giữa DN thuộc khối KTTN với DN cùng khối là thuận lợi nhất; tiếp theo là liên kết với DN nhà nước và khó khăn nhất là liên kết với DN nước ngoài. Điều này là do thuộc cùng khối kinh tế nên DN thuộc khu vực KTTN có nhiều điểm tương đồng trong quan điểm, phương pháp, cách thức triển khai kinh doanh, điều đó giúp họ thuận lợi hơn trong việc liên kết với nhau. Đối với DN thuộc khu vực kinh tế nhà nước, mức độ thuận lợi giảm do một số rào cản và thông lệ: thủ tục thanh toán phức tạp, những tiêu cực nảy sinh trong quá trình triển khai hợp đồng kinh tế … Đối với DN thuộc khu vực kinh tế nước ngoài, mức độ thuận lợi là thấp nhất do các yêu cầu về kỹ thuật của DN đến từ khu vực này rất cao. DN thuộc khối KTTN phải nỗ lực và cố gắng để được lựa chọn trở thành đối tác của DN FDI.

Điều thú vị là ở chỗ, DN thuộc khu vực kinh tế FDI có mức độ thuận lợi thấp nhất khi liên kết nhưng họ lại đem lại mức độ hài lòng cao nhất. Một khi đã làm việc được với DN FDI, các DN thuộc khu vực KTTN sẽ được hỗ trợ kỹ thuật ở mức độ cao nhất và được tạo mọi điều kiện thuận lợi theo hướng hai bên cùng có lợi để triển khai các hợp đồng kinh tế. Mức độ chuyên nghiệp của DN FDI cũng ở mức cao nhất.

Những yếu tố kìm hãm sự phát triển của KTTN

Kết quả của đề tài cũng đã chỉ ra những yếu tố cơ bản kìm hãm sự phát triển của KTTN. Theo nhóm nghiên cứu thì đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hạn chế sự liên kết kinh doanh của khối doanh nghiệp KTTN tại Việt Nam hiện nay. Những yếu tố đó là:

Thứ nhất, về nội tại DN, xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của KTTN còn thấp. Đội ngũ doanh nhân mới hình thành và đang trong quá trình phát triển, hạn chế về năng lực quản trị kinh doanh và văn hoá DN, đạo đức doanh nhân.

Thứ hai, về môi trường thể chế, hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích KTTN phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Nhiều quy định của pháp luật về KTTN chưa được thực hiện nghiêm.

Thứ ba, về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao và thiếu tính minh bạch. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa KTTN và các thành phần kinh tế khác; các chi phí trung gian còn nhiều.

Cuối cùng, một số nguyên nhân khác như thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho DN; vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong KTTN; xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các DN tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước.

Những tồn tại nêu trên đang được khắc phục bằng sự ủng hộ mạnh mẽ và thường xuyên của Chính phủ đối với khu vực KTTN thông qua các chính sách thiết thực như các cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập DN tư nhân; thu hẹp những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện để KTTN đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Giải pháp tăng cường liên kết kinh doanh để phát triển KTTN Việt Nam

Theo nhóm nghiên cứu của đề tài, để thúc đẩy liên kết kinh doanh, bản thân các DN tư nhân Việt Nam cần nhận thức rõ vai trò của hoạt động này trong sự phát triển của DN. Việc hợp tác với các DN khác không kể quy mô hay loại hình sở hữu có thể mang lại lợi ích to lớn, bù đắp sự thiếu hụt của mình từ sự phối hợp hoạt động với đối tác. Trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, liên kết kinh doanh là một giải pháp quan trọng giúp các DN tối đa hóa nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, giúp các bên cùng phát triển.

Nhận thức rõ liên kết kinh doanh là một giải pháp quan trọng để phát triển: bản thân người chủ, người lãnh đạo các DN cần phải nhìn nhận lại tư duy lãnh đạo và tư duy quản trị của mình, không nên chỉ vì lợi ích ngắn hạn, trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội phát triển lớn mạnh cho DN trong tương lai. Bên cạnh đó, tư tưởng liên kết để phát triển không chỉ cần có ở chủ DN mà cần được phổ biến xuyên suốt ở tất cả các cấp quản lý và người lao động để DN có thể nắm bắt và hiện thực hóa mọi cơ hội liên kết, mang lại lợi ích tối đa cho DN.

Xác định rõ chiến lược phát triển DN gắn với liên kết kinh doanh: Chiến lược kinh doanh đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi DN. Để có thể phát triển KTTN thông qua liên kết kinh doanh ở Việt Nam, các DN nên xem xét việc liên kết kinh doanh như một biện pháp hữu ích để thực thi chiến lược phát triển của mình. Ví dụ, như DN cạnh tranh bằng chiến lược chi phí thấp thì cần tăng cường liên kết kinh doanh với các nhà cung ứng để có thể giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm…

DN cần xác định rõ mục đích liên kết kinh doanh là để thực thi chiến lược đã lựa chọn, từ đó xác định đối tác liên kết, loại hình liên kết, nguyên tắc chia sẻ nguồn lực và phân phối kết quả. Thực trạng liên kết kinh doanh khu vực KTTN Việt Nam đã cho thấy rất rõ một điều rằng, các DN tư nhân Việt Nam chủ yếu tập trung vào hai loại hình liên kết kinh doanh là liên kết để mua các yếu tố đầu vào và liên kết để bán sản phẩm đầu ra. Mặc dù số lượng liên kết rất nhiều nhưng trên thực tế chất lượng mà những liên kết mang lại không cao. Do đó, cần phải tăng cường các hình thức liên kết kinh doanh mang tính chiều sâu và có chất lượng, gắn với chiến lược phát triển của DN.

Chủ động kết nối và tăng cường tham gia các hoạt động gắn kết DN trong và ngoài nước: từ những nhận thức và định hướng chiến lược về liên kết để phát triển, các DN tư nhân cần hiện thực hóa bằng việc chủ động kết nối và tăng cường tham gia các hoạt động gắn kết không chỉ với DN trong nước mà còn với các DN nước ngoài. Cụ thể là chủ động nắm bắt cơ hội, ưu đãi từ nhà nước và tích cực tham gia các hoạt động hợp tác công tư (PPP); tích cực tham gia hoạt động liên kết giữa các DN tư nhân với nhau; cần tăng cường liên kết giữa các DN tư nhân trong nước và DN nước ngoài về việc nâng cao trình độ khoa học và công nghệ.

Chú trọng xây dựng văn hoá DN: đối với một DN, văn hoá DN tạo ra sự thống nhất, đồng tâm của mọi thành viên trong DN bằng một hệ thống các giá trị, chuẩn mực chung, từ đó tạo nên một nguồn nội lực chung của DN bằng cách hợp lực từ các cá nhân, bộ phận, đơn vị khác nhau. Đồng thời với chức năng định hướng hoạt động một cách tự giác và rộng khắp, văn hoá DN có thể khiến các thành viên đi đúng hướng, hoạt động có hiệu quả mà không cần có quá nhiều quy chế và mệnh lệnh chi tiết, thường nhật từ cấp trên ban xuống.

Tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ: một trong những yếu tố mà các DN xem xét khi lựa chọn đối tác trong liên kết kinh doanh chính là năng lực về khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, để tăng khả năng liên kết kinh doanh, các DN cần chủ động tăng cường áp dụng khoa học và công nghệ vào trong sản xuất nhằm nâng cao năng lực nội tại của DN.

Xác định rõ vị trí DN trong chuỗi giá trị toàn cầu: chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ là một phương thức hiệu quả hơn để sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà còn có thể tạo bước đệm cho sự phát triển nếu được kết hợp với các chính sách nâng cao năng lực ở cấp quốc gia, bao gồm các chính sách để củng cố khu vực KTTN.

Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực góp phần nâng cao năng suất lao động trong các DN tư nhân: để xây dựng được đội ngũ có những kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu của DN, các DN thuộc khu vực KTTN nên học tập kinh nghiệm của trong nội khu vực hoặc các DN FDI, theo đó tiến hành đào tạo ngắn và dài hạn theo yêu cầu của từng vị trí công việc. Việc đào tạo có thể tốn chi phí, tuy nhiên, lại giúp nâng cao năng suất lao động về lâu dài cho người lao động nói riêng và cả DN nói chung. Việc liên kết kinh doanh với các DN khác cũng tạo điều kiện cho quá trình học hỏi này của DN.

ĐTG

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)