Thứ năm, 16/09/2021 08:04

Phát triển hệ thống tài chính xanh hướng tới nền kinh tế xanh

Hệ thống tài chính xanh với 4 trụ cột chính: trung gian tài chính xanh, các công cụ huy động vốn xanh, các doanh nghiệp đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh. Hiện nay, thị trường tài chính xanh của Việt Nam mới đang ở trong giai đoạn phát triển rất sơ khai. Đã có một số hoạt động, sản phẩm được giới thiệu ra thị trường, nhưng chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư, phát triển. Do đó, Nhà nước cũng như các bên liên quan cần có các hành động tích cực hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính xanh, hướng đến nền kinh tế xanh. Đó là những phát hiện và đề xuât chính của đề tài cấp nhà nước “Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam”, mã số KX.01.27/16-20 do PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia làm chủ nhiệm.

Giai đoạn phát triển sơ khai

PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - chủ nhiệm đề tài “Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam” cho biết, hiện nay đã có một số chính sách được ban hành nhẳm phát triển hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam. Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành các chính sách phát triển ngân hàng xanh từ hoàn thiện Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng (Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015), Đề án phát triển ngân hàng xanh (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN) và các chương trình tín dụng góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả, tạo sinh kế và nâng cao mức sống của người dân, giải quyết từng bước các vấn đề môi trường và xã hội; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực theo hướng đầu tư theo chiều sâu, sử dụng công nghệ cao…

Xét về nguồn vốn xanh của các NHTM và các tổ chức tài chính quốc tế, nhìn chung nguồn vốn tài trợ chủ yếu cho tài chính xanh là từ Chính phủ, các tổ chức phát triển quốc gia, các định chế quốc tế hay ngân hàng phát triển song phương và đa phương, các doanh nghiệp và cá nhân. Tương tự như nguồn vốn thông thường, nguồn vốn xanh cũng được huy động theo hai kênh là kênh tài chính trực tiếp và kênh tài chính gián tiếp. Hoạt động tín dụng xanh mới chỉ bước đầu được một số NHTM quan tâm triển khai bởi những lợi ích của việc trở thành ngân hàng xanh chưa thực sự rõ ràng. Với các nỗ lực chung, đến nay nền tảng pháp lý, thể chế, chính sách cho ngân hàng, tín dụng xanh về cơ bản đã hình thành. Dư nợ tín dụng xanh qua thống kê chưa đầy đủ đến tháng 6/2019 đã tăng rất nhanh lên đến 317.600 tỷ đồng. Tỷ trọng tín dụng xanh cũng tăng mạnh từ 1,5% lên 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Xét về các công cụ huy động vốn xanh, có 02 nhóm công cụ huy động tài chính xanh, bao gồm: Trái phiếu xanh (Green Bonds) và Vốn chủ sở hữu xanh (Green Equity). Tuy nhiên, tại Việt Nam công cụ huy động tài chính xanh hiện nay chủ yếu vẫn sử dụng qua hình thức phát hành trái phiếu xanh. Ở Việt Nam mới chỉ có 2 văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến định nghĩa trái phiếu xanh. Thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai thí điểm, chưa có sản phẩm phát hành rộng rãi trên thị trường. Còn thị trường cổ phiếu xanh ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn tạo lập. Các hoạt động chính đã được triển khai đến nay có thể được chia thành 3 nhóm: (i) nâng cao hiểu biết toàn thị trường về tài chính xanh; (ii) khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp với tài chính xanh; (iii) xây dựng và áp dụng chỉ số phát triển bền vững toàn thị trường.

Xét về thực trạng đầu tư xanh ở Việt Nam. Trên cơ sở ban hành cơ chế chính sách đối với phát triển bền vững, quan điểm này đã thể hiện xuyên suốt trong các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều kỳ đại hội Đảng. Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) thời kỳ 2012-2020 và tầm nhìn đến 2050. Ở cấp độ vi mô (doanh nghiệp), những đánh giá từ khảo sát PCI 2016 cho thấy, đa số các doanh nghiệp đều biết đến các quy định về môi trường áp dụng với các doanh nghiệp (87%), nhưng trong số đó các doanh nghiệp trong nước chiếm thiểu số. Tuy nhiên, hơn 80% doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thi hành đầy đủ các quy định về môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Làn sóng khởi nghiệp xanh ngày càng mạnh. Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, các doanh nghiệp quy mô đủ lớn đã bắt đầu quan tâm thỏa đáng hơn tới bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.

Nhìn chung, thị trường tài chính xanh của Việt Nam mới đang ở trong giai đoạn phát triển rất sơ khai. Đã có một số hoạt động, sản phẩm được giới thiệu ra thị trường nhưng chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư, phát triển. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Thanh Tú đã đề xuất bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển của hệ thống tài chính xanh và lộ trình đến năm 2050. Trong đó, từ nay đến năm 2025 sẽ thành lập thí điểm mô hình ngân hàng xanh, quỹ đầu tư xanh, doanh nghiệp đầu tư xanh. Đến năm 2040, áp dụng toàn diện hệ thống chỉ số đánh giá mức độ xanh hóa của hệ thống tài chính (GFI), trong đó bao gồm các giai đoạn. Trên cơ sở đó, đến năm 2050 tiến tới vận hành toàn diện hệ thống tài chính xanh với 4 trụ cột chính: trung gian tài chính xanh, các công cụ huy động vốn xanh, các doanh nghiệp đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh.

Điều kiện thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống tài chính xanh ở Việt Nam

Theo chủ nhiệm để tài, để thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống tài chính xanh ở Việt Nam, trước hết cần hoàn thiện về khung pháp lý. Chiến lược quốc gia về TTX (Chiến lược TTX) đề ra các nhóm nhiệm vụ chiến lược. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược TTX, thời gian tới cần tập trung vào các nội dung sau: i) hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư (cụ thể, cần hoàn thiện và sớm ban hành bộ chỉ tiêu đo lường TTX cấp quốc gia của Việt Nam; bổ sung một số chỉ tiêu TTX vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng bộ chỉ tiêu TTX vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025); ii) hoàn thiện khung chính sách tài chính TTX (xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược TTX; hoàn thiện xây dựng khung chính sách tài chính); iii) đẩy mạnh nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn  kỹ thuật xanh; iv) các ngành và địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động TTX và triển khai thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu đề ra vào năm 2020; v) nâng cao nhận thức về TTX cho các cấp lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành và địa phương và khu vực doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, còn cần xem xét điều chỉnh chính sách thuế một cách hợp lý, đảm bảo khuyến khích phát triển kinh tế xanh. Nhà nước cần hoàn thiện những khuôn khổ pháp lý phù hợp nhằm định hướng phát triển kinh tế theo hướng TTX. Khuôn khổ pháp lý cần phải đáp ứng được yêu cầu đầy đủ về cả “chất” và “lượng”, đặc biệt làm rõ cách thức và phương pháp đo lường lợi ích môi trường của các dự án đầu tư xanh. Cụ thể: Nhà nước cần cụ thể hóa các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp tham gia mạng lưới doanh nghiệp phát triển xanh, sản xuất xanh; xem xét áp dụng những chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường; giảm dần và loại bỏ trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch để có thể giảm đáng kể phát thải các khí nhà kính chính. Nhà nước nên có chính sách trợ giá đối với sản phẩm sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại. Cùng với đó, hoàn thiện các nhóm điều kiện về quản lý và giám sát thị trường tài chính xanh và nhóm giải pháp về các tổ chức hỗ trợ (định giá, xếp hạng tín nhiệm…) và hệ thống thông tin kế toán phục vụ phát triển xanh.

Khuyến nghị với các bên liên quan

Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Tú và nhóm nghiên cứu, để phát triển hệ thống tài chính xanh ở Việt Nam cần sự hợp tác của tất cả các bên. Đối với Nhà nước cần có vai trò là tạo điều kiện để các hoạt động của hệ thống được thực hiện một cách hiệu quả, minh bạch. Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt thực hiện xanh hóa hệ thống tài chính. Nhà nước cần lập và chấp hành ngân sách hiệu quả, tiết kiệm, minh bạch tài chính công. Cần ưu tiên đầu tư và chi tiêu của Chính phủ trong những lĩnh vực kích thích xanh hóa các thành phần kinh tế, thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào kinh tế xanh. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xây dựng, công bố lộ trình thực hiện nền kinh tế xanh ở Việt Nam từ nay đến năm 2050, trong đó phải xác định được những ngành, lĩnh vực được ưu tiên phát triển theo hướng kinh tế xanh.

Đối với bộ, ban, ngành có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng danh mục và tiêu chí đánh giá ngành nghề sản xuất kinh doanh “xanh”. Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho mọi đối tượng liên quan trong xã hội một cách thiết thực, hiệu quả và rộng rãi. Cần nỗ lực thu hút nguồn vốn xã hội cho việc phát triển xanh thông qua thị trường tài chính xanh, hướng tới phát triển cân bằng thị trường tài chính xanh thông qua thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh. Về phía Ngân hàng nhà nước cũng cần sớm ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể để thúc đẩy nguồn tài chính xanh. NHNN cần rà soát các quy định về tín dụng xanh theo hướng cụ thể và tăng cường các yếu tố tạo động lực cho ngân hàng và các tổ chức tín dụng khi cung cấp tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần đóng vai trò chủ động trong việc xây dựng và phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Các tổ chức tín dụng, trung gian tài chính phi ngân hàng cần có các định hướng mang tính chiến lược về TTX, các quy định về tài chính xanh cần được thực thi một cách nghiêm túc. Các tổ chức tín dụng nên quan tâm hơn đến xây dựng chiến lược quản trị rủi ro về môi trường cũng như các rủi ro về nguồn lực thiên nhiên khác (như đất đai, nguồn nước…) trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp nên đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, hướng tới công bố các báo cáo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thay đổi chiến lược trong công bố báo cáo trách nhiệm xã hội. Các nhà quản trị doanh nghiệp cần tự nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường, ý thức được vị trí, tầm quan trọng của việc cung cấp các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Cuối cùng, những người tiêu cũng cần có các hành động để nâng cao nhận thức của toàn cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường, về việc làm xanh và phát triển kỹ năng xanh. Người tiêu dùng xanh có vai trò quan trọng trong kích thích nền kinh tế xanh. Nếu như ngày càng nhiều người nâng cao nhận thức, chuyển sang sử dụng các sản phẩn xanh để bảo vệ môi trường thì sẽ có càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào các lĩnh vực xanh, từ đó thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam.     

TD

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)