Thứ hai, 09/01/2023 14:34

TP Hồ Chí Minh: Khoa học và công nghệ đồng hành cùng doanh nghiệp

Ngày 6/1/2023, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Trong năm 2022, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của TP, từng bước đưa TP Hồ Chí Minh tiến gần đến Top 100 TP có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu.

KH&CN đồng hành cùng doanh nghiệp

Báo cáo tổng kết của Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển KH&CN. Đặc biệt, TP đã hỗ trợ 2.970 doanh nghiệp nâng cao năng lực ĐMST; hỗ trợ 182 dự án của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Tỷ lệ doanh nghiệp có thực hiện các hoạt động ĐMST của TP đạt 40,5% (cao hơn so với năm trước 33,6%), trong đó, hoạt động đổi mới về phương pháp quản lý, tổ chức và hoạt động đổi mới về quy trình sản xuất/cung ứng dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ doanh nghiệp có chiến lược chuyển đổi số hoặc sản xuất thông minh tại các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ 16,5%; ước tính đóng góp của kinh tế số vào giá trị gia tăng của các doanh nghiệp trong các ngành và lĩnh vực trọng điểm của TP là 14,98%.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng, ĐMST thông qua nhiều hoạt động như: hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ, thiết bị hiện đại áp dụng trong sản xuất và kinh doanh về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương năm 2022 và Sự kiện kết nối công nghệ và ĐMST Việt Nam năm 2022; hỗ trợ 15 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số về nông nghiệp của TP kết nối, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản phẩm, giao lưu hợp tác với các cá nhân, tổ chức cùng tham gia sự kiện Diễn dàn Mekong Connect 2022 tại Cần Thơ; tổ chức hội thảo “Các giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và kinh nghiệm sử dụng nguồn Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp”, với đối tượng tham dự là các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất và khu công nghiệp…

Triển lãm ĐMST TP Hồ Chí Minh 2022 - Tech4life.

Cổng thông tin ĐMST và Chuyển giao công nghệ TP (Techport) hiện có 15.765 công nghệ, thiết bị của 2.062 nhà cung ứng, 2.748 tổ chức, chuyên gia tư vấn, 563 dự án tìm kiếm đối tác. Techport đã thu hút 359.495 lượt truy cập và 100.019 lượt kết nối giao dịch trực tuyến giữa khách hàng và nhà cung ứng trên hệ thống. Các Techmart chuyên ngành như: “Nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch”, “Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” được tổ chức thường niên, thu hút hàng nghìn lượt khách tham dự; tiếp nhận và cung cấp thông tin về công nghệ và thiết bị cho 1.437 yêu cầu của doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối chuyên gia tư vấn và ký kết 161 biên bản tư vấn cho doanh nghiệp…

Nâng cao hiệu quả hoạt động khởi nghiệp ĐMST

Trong năm 2022, Sở KH&CN đã trình UBND TP đề nghị xây dựng Quy định nội dung và mức chi cho các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại TP Hồ Chí Minh; tham mưu UBND TP về mô hình hoạt động, tiêu chí, đối tượng, lĩnh vực xem xét và các chính sách thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư tại Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST của TP; tổ chức hội thảo “Đại học khởi nghiệp - Mô hình và giải pháp” nhằm chia sẻ những thông tin lên quan đến vai trò của trường đại học trong hoạt động ĐMST và kinh nghiệm xây dựng mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong trường đại học…; phối hợp tổ chức 25 sự kiện về khởi nghiệp sáng tạo của cộng đồng, sự kiện kết nối mạng lưới khởi nghiệp nhằm chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, tìm kiếm cơ hội hợp tác sáng tạo, tiếp cận quỹ đầu tư mạo hiểm, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường...

Đặc biệt, hoạt động ĐMST tại khu vực công được TP đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh. Các hội nghị: “Tìm kiếm giải pháp hỗ trợ quận - huyện trong quản lý, điều hành”, “Triển khai thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025”…; Hội nghị tuyên truyền về ĐMST trong khu vực công cho cán bộ, công chức, đoàn viên - thanh niên tại UBND các quận: 6, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh… đã được tổ chức. Bên cạnh đó, Sở KH&CN đã giới thiệu công cụ quản lý chợ phục vụ công tác quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy và nhân rộng mô hình công cụ quản lý chợ truyền thống đến UBND TP Thủ Đức, quận, huyện và ban quản lý các chợ; phối hợp với quận 11 tổ chức Inno-Coffee “Ứng dụng khoa học, công nghệ và ĐMST để phát triển sản xuất kinh doanh" nhằm giới thiệu các chương trình hỗ trợ về KH&CN của TP và hướng dẫn sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp đến các doanh nghiệp trên địa bàn quận. Sở cũng đã triển khai nhiều hoạt động ĐMST trong lĩnh vực giáo dục thông qua các cuộc thi: “Thiết kế ứng dụng bài giảng STEM lần 2 năm 2022”, “STEM Robot Challenge 2022” dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở; Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục (Digitrans Edtech 2022); “Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 24 năm 2022”… Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN và ĐMST, Sở KH&CN đang triển khai vận hành, thử nghiệm Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN và Nền tảng trực tuyến hỗ trợ hoạt động ĐMST tại TP Hồ Chí Minh (HCMC Open Innovation Platform - H.OIP).

Chung kết Cuộc thi Design Thinking Camp năm 2022 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Nhờ các hoạt động tích cực và toàn diện, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP ngày càng lớn mạnh, hoạt động kết nối đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST diễn ra sôi nổi và tăng trưởng đáng kể với 45 tổ chức hỗ trợ, gần 2.000 starups, hơn 100 quỹ đầu tư, 500 sự kiện mỗi năm, với sự tham gia của gần 100 trường đại học, cao đẳng và trung cấp. Số lượng tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn TP tăng gấp 1,87 lần sau 5 năm (từ 24 tổ chức năm 2017 lên 45 tổ chức năm 2022). Số lượng Quỹ đầu tư cũng tăng gấp 2 lần (từ gần 50 quỹ đầu tư mạo hiểm vào năm 2017 lên hơn 100 quỹ vào năm 2022). TP Hồ Chí Minh đang tiến gần đến Top 100 TP có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu theo bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST các quốc gia năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu - StartupBlink công bố.

*

*      *

Trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tổ chức đặt hàng nghiên cứu KH&CN năm 2023 bám sát các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết nhanh những vấn đề cấp bách của TP. Ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN đối ứng ngoài ngân sách. Xây dựng các bài toán lớn cụ thể để tập trung nguồn lực KH&CN nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết của ngành y tế, giáo dục và quản trị trong khu vực công của TP. Hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và ĐMST để làm hạt nhân kết nối các trung tâm nghiên cứu phát triển mạnh, xây dựng mạng lưới trung tâm nghiên cứu phát triển của TP nhằm hỗ trợ hoạt động thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy ứng dụng KH&CN vào cuộc sống, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025”, trọng tâm là đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST TP, hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của TP làm nền tảng kết nối, phát triển hệ sinh thái ĐMST của TP trong một số lĩnh vực trọng tâm là chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; công nghệ tài chính; công nghệ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Minh Nguyệt

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)