Thứ hai, 30/01/2023 15:30

Nông nghiệp thông minh - Từ nông trại đến bàn ăn

Mới đây, tại Hà Nội, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam  Australia (NIC AU) đã kết hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội sinh viên Việt Nam tại Úc tổ chức “Hội thảo và triển lãm nông nghiệp thông minh - Từ nông trại đến bàn ăn năm 2023”. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trên nền tảng Zoom.

Hội thảo và triển lãm được tổ chức nhằm chia sẻ tri thức, kinh nghiệm về chuỗi nông nghiệp thông minh toàn diện, hiệu quả và bền vững, đồng thời thúc đẩy việc thảo luận, xúc tiến các cơ hội hợp tác, đầu tư giữa các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư, ngân hàng, công ty khởi nghiệp và nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh và phân phối sản phẩm nông nghiệp.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Phúc Bình - Chủ tịch NIC AU nhấn mạnh vào tầm quan trọng của nông nghiệp Việt Nam trong việc phát triển kinh tế trong năm qua mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế từ sự cạnh tranh toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Do đó, để có thể duy trì tăng trưởng, nâng cao vị trí nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới cần phải có giải pháp đồng bộ, trong đó việc chuyển đổi nông nghiệp thông minh là giải pháp vô cùng quan trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, chuỗi nông nghiệp thông minh xác định nông dân và cộng đồng doanh nghiệp là những đối tượng trực tiếp. Việt Nam có hạn chế về diện tích đất nông nghiệp, quy mô nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, vì vậy theo Bộ trưởng, thách thức nằm ở chỗ làm thế nào để chuỗi nông nghiệp thông minh đi vào thực trạng này. Việc xác định những thách thức cũng sẽ giúp nền nông nghiệp tìm kiếm những ứng dụng phù hợp để xây dựng chuỗi nông nghiệp thông minh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo.

Tại phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Công đoạn đầu tiên của chuỗi nông nghiệp thông minh” có sự tham dự của nhiều chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới. Trong đó, TS Nguyễn Việt Tuấn (Bộ Nông nghiệp bang Victoria, Úc), TS Nguyễn Kỳ Tài (Đại học Southern Queensland, Úc) đã có bài tham luận chia sẻ về: nghiên cứu hệ gen trên bò sữa - Góc nhìn từ nước Úc; số hoá nông nghiệp và nông nghiệp thông minh. Bên cạnh đó, TS Võ Bích Hiền (Trường Đại học Việt Đức) đã có những chia sẻ về áp dụng công nghệ máy bay không người lái và internet vạn vật cho một nông nghiệp Việt Nam bền vững và chính xác trong giai đoạn 2023-2033; GS.TS Lý Nguyễn Bình - Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ về chế biến nông thủy sản Việt Nam: Cơ hội và thách thức giai đoạn 2023-2033.

Với nhiều góc nhìn từ chuyên gia, bức tranh về quy trình sản xuất và phát triển thông minh càng được khắc họa rõ nét. Trong đó, từ chủ đề về “Nghiên cứu hệ gen trên bò sữa - Góc nhìn từ nước Việt”, bài học áp dụng cho Việt Nam đã được TS Nguyễn Việt Tuấn nêu rõ trong bài thảo luận về mối liên kết giữa trường đại học/viện nghiên cứu, trung tâm dữ liệu hệ gen và nông hộ. Tại phiên thảo luận này, TS Nguyễn Kỳ Tài cũng nêu lên bản chất của canh tác thông minh chính là đưa công nghệ mới vào hoạt động nông nghiệp.

Tiếp nối phần thảo luận về quy trình sản xuất và phát triển nông nghiệp thông minh, phiên thảo luận thứ hai “Công đoạn thứ hai của chuỗi nông nghiệp thông minh” đã có những tham luận chia sẻ về: xây dựng thương hiệu nông thuỷ sản Việt Nam từ nông trại đến bàn ăn; giải pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm. Theo đó, các nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm bao gồm: phân tích kim loại nặng trong thực phẩm bằng ICP-MS, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, phân tích hàm lượng vitamin, kháng sinh, mycotoxins. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu còn cần xác thực nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng các phương pháp như: sử dụng thiết bị EA-IRMS, phân tích đồng vị…

Ở phiên tham luận thứ ba “Công đoạn cuối của chuỗi nông nghiệp thông minh”, các đại biểu đã chia sẻ về những giải pháp tài chính toàn cầu xanh và bền vững theo góc nhìn của Ngân hàng TMCP phát triển TP Hồ Chí Minh (HDbank) cho nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2023-2033; chuyển đổi số nông nghiệp - nâng cao chuỗi giá trị - kết nối xuyên biên giới...

Sau 3 phiên tham luận về quy trình của chuỗi nông nghiệp thông minh, hội thảo còn diễn ra thảo luận bàn tròn về “Thực tiễn và giải pháp cho chuỗi nông nghiệp thông minh toàn diện, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam”.

CT

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)