Thứ ba, 31/01/2023 00:50

Chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng: Thực trạng và giải pháp

Chuyển đổi số là công cụ của quản trị của một cơ sở giáo dục đại học tiên tiến, là giải pháp đột phá trong cải cách hành chính… Đây là chia sẻ của nhiều chuyên gia tại Tọa đàm “Chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng: Thực trạng và giải pháp” do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Xu thế tất yếu

PGS.TS Trần Đức Qúy - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Đặc biệt, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách mạnh mẽ về chuyển đối số đối với giáo dục và đào tạo. Thực tế, chuyển đổi số là cơ hội để các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam và trên toàn thế giới phát triển nhanh hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn. Trong 3 năm bị dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế - xã hội, sinh viên không thể đến trường thì chuyển đổi số ngày càng khẳng định thêm ý nghĩa và sự cần thiết. Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, cùng với việc sử dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 đã được triển khai để giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo mang lại giá trị tích cực cho nhà trường. Hiệu trưởng Trần Đức Quý khẳng định, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường đang bước những bước vững chắc, nhanh chóng, đóng góp vào thành tựu của công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục. Trong 10 năm qua, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong trong giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, hoàn thiện và ứng dụng đại học điện tử trong quản trị toàn diện Nhà trường, hướng tới xây dựng đại học thông minh. Hệ thống đại học điện tử của Trường đã vinh dự nhận 3 giải thưởng lớn (Nhân tài Đất Việt năm 2012, Sao Khuê năm 2016 và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2018).

Đồng quan điểm trên, GS.TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để hội nhập và phát triển. Tại Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành đơn vị tiêu biểu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mỗi năm với hơn 15.000 sinh viên tốt nghiệp đã mang tri thức được học từ nhà trường đi khắp mọi miền của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, Trường là đơn vị tiên phong trong khối ngành y tế về tự chủ đại học và có nhiều đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế và cũng là đơn vị tiên phong với mô hình bệnh viện thuộc trường đầu tiên trong cả nước với hơn 2 triệu lượt bệnh nhân đến khám, điều trị mỗi năm với nhiều kỹ thuật y khoa hiện đại; là đơn vị dẫn đầu với nhiều công trình nghiên cứu khoa học, y khoa được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước.

TS Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề cấp bách, là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên sự phát triển đột phá trong giai đoạn hiện tại và tương lai của các trường đại học, cao đẳng. Nhận thức được điều đó, từ lâu Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số để đảm bảo tiến trình chuyển đổi số. Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ về chuyển đổi số Đại học Bách khoa Hà Nội đã xác định quan điểm chuyển đổi số là vấn đề cấp bách, là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên sự phát triển đột phá trong giai đoạn hiện tại và tương lai của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trường sẽ đặt quyết tâm chính trị cao nhất để chuyển đối số thành công và trở thành một "đại học số". Đây sẽ là bước đầu để Đại học Bách khoa Hà Nội thành công trong quá trình quốc tế hóa và thu hút sinh viên quốc tế.

Lời giải cho bài toán chuyển đổi số

Để chuyển đổi số thành công, PGS.TS Trần Đức Quý cho rằng, người đứng đầu cơ sở giáo dục cần có quyết tâm cao, tạo được sự đồng thuận trong tập thể đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức, giảng viên, sinh viên thay đổi nhận thức, tư duy. Điều này đóng góp vai trò then chốt đối với sự thành công trong quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, vướng mắc được coi là “điểm nghẽn” trong cơ chế chính sách, nội tại của tổ chức tác động, làm cho chất lượng, hiệu quả của công tác chuyển đổi số chưa đạt yêu cầu đề ra.

Trên thực tế, nhiều lĩnh vực đã được tin học hoá, tuy nhiên đang sử dụng một cách phân tán, tách biệt nhau; quá trình kết nối phải thực hiện thủ công; không có sự kết nối về dữ liệu dẫn đến tình trạng dư thừa; không có chuẩn chung về dữ liệu nên khó cho việc tổng hợp, phân tích, báo cáo. Không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi số mà các trường đại học, cao đẳng trong nước cần xây dựng hệ sinh thái liên kết chuyển đổi số bền vững cho hệ thống giáo dục đại học để rút ngắn thời gian và giảm chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ số, từ đó cùng nhau phát triển. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ có được cái nhìn tổng thể để xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh, chuyển đổi số giáo dục và đào tạo là 1 trong 8 nhiệm vụ trọng điểm quyết định sự thành công của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo bao gồm chuyển đổi số trong hoạt động dạy - học và chuyển đổi số trong hoạt động quản trị - quản lý các nhà trường. Ngành giáo dục và đào tạo có nhiều thuận lợi nhưng thách thức cũng rất lớn đó là ý chí, nhận thức, văn hóa, hạ tầng số, nhân lực, cơ chế chính sách, số hóa dữ liệu, quy trình, dịch vụ… Do vậy, chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng cần được xem là một hành trình, chứ không phải là đích đến, từ đó tìm ra các giải pháp mang tính chiến lược trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)