Thứ sáu, 19/05/2023 10:44

Vệ tinh VNREDSat-1: 10 năm nỗ lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) có khả năng làm chủ công nghệ vận hành, điều khiển, thu nhận và xử lý ảnh từ vệ tinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh…, vệ tinh VNREDSat-1do các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nghiên cứu, chế tạo đã vượt quá gấp đôi tuổi thọ dự kiến và vẫn đang góp phần quan trọng giải quyết các thách thức trong quản lý rừng và tài nguyên nước, quản lý thiên tai, lập bản đồ - quy hoạch đô thị, quốc phòng - an ninh và quản lý vùng ven biển của Việt Nam. Những kết quả này được khẳng định tại Lễ Kỷ niệm 10 năm ngày phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1 với chủ đề: “Kết nối tương lai” do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tập đoàn Airbus tổ chức ngày 16/05/2023 nhằm hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.

Yêu cầu thực tiễn và sự ra đời của VNREDSat-1

GS.VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, ngày 14/06/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020. Nội dung quyết định nêu rõ: nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ phải phục vụ thiết thực, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, giám sát môi trường và thiên tai cũng như nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; phát triển công nghệ vũ trụ phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu của Chiến lược nhằm đưa Việt Nam đạt trình độ trung bình khá trong khu vực về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ. Trong giai đoạn 2006-2010, sẽ xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ; đồng thời bắt đầu triển khai chương trình KH&CN độc lập về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2006-2010 do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chủ trì. Trong giai đoạn 2011-2020, sẽ cải tiến và tiến tới làm chủ việc chế tạo các trạm mặt đất với giá cạnh tranh, làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, lựa chọn công nghệ chế tạo phương tiện phóng vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo thấp.

GS.VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 10 năm ngày phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1.

Vệ tinh VNREDSat-1 (tên đầy đủ Vietnam Natural Resources, Environment and Disaster-monitoring Satellite-1) là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và các công ty sản xuất vệ tinh của Cộng hòa Pháp (trong đó có Tập đoàn Airbus). Đây là vệ tinh quang học quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt Trái đất. Vệ tinh VNREDSat-1 có kích thước 600x570x500 mm, trọng lượng khoảng 120 kg do Tập đoàn Airbus phát triển đã được phóng thành công lên quỹ đạo vào ngày 07/05/2013. Đây là kết quả của dự án ODA do Chính phủ Pháp hỗ trợ Việt Nam, là một hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất hoàn thiện bao gồm cả vệ tinh và các trạm điều khiển, thu nhận và xử lý ảnh từ vệ tinh. Ban đầu VNREDSat-1 được sản xuất với tuổi thọ dự kiến là 5 năm nhưng đến nay, vệ tinh này đã hoạt động trên quỹ đạo được 10 năm (vượt quá gấp đôi tuổi thọ dự kiến) và vẫn đang góp phần quan trọng hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức trong quản lý rừng và tài nguyên nước; quản lý thiên tai, lập bản đồ và quy hoạch đô thị; đảm bảo quốc phòng - an ninh và quản lý vùng ven biển.

VNREDSat-1 được phóng thành công lên quỹ đạo là dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam; đồng thời là kết quả của quá trình hợp tác chặt chẽ giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Tập đoàn Airbus, là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Pháp.

Bước đầu hình thành nền công nghiệp vũ trụ của Việt Nam

TS Bùi Trọng Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), đơn vị chủ trì thực hiện dự án vệ tinh VNREDSat-1 cho biết, vệ tinh này đã cung cấp gần 160.000 ảnh trên các vùng lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và trên toàn thế giới, đem lại sự chủ động hoàn toàn trong công tác giám sát từ xa tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai cũng như các khu vực quan tâm, từng bước ứng dụng tiến bộ KH&CN trong công tác giám sát và khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Việc vệ tinh VNREDSat-1 đã hoạt động gấp đôi thời gian dự kiến không chỉ là minh chứng cho công nghệ tiên tiến của Pháp nói chung và Tập đoàn Airbus nói riêng mà còn thể hiện sự đào tạo, chuyển giao và tiếp nhận hiệu quả giữa Tập đoàn Airbus và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, sự hỗ trợ tích cực của Tập đoàn Airbus trong quá trình bảo trì vệ tinh cũng như sự chủ động và sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học của Việt Nam khi vận hành vệ tinh. Căn cứ trên nhận định của Ủy ban Vũ trụ châu Âu về một kỷ nguyên mới về công nghệ vũ trụ (New Sapce/Sapce 4.0), việc hội nhập và ứng dụng thành tựu của công nghệ vũ trụ đã giúp Việt Nam mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới trong tương lai, cung cấp ứng dụng và giải pháp trực tiếp cho người dùng chứ không thuần tuý phát triển công nghệ như trước.

Các đại biểu tham dự tại Lễ Kỷ niệm 10 năm ngày phóng vệ tinh VNREDSat-1.

Hiện tại, vệ tinh VNREDSat-1 tại Viện Công nghệ Vũ trụ đã được kết nối trực tiếp với trạm thu và xử lý ảnh, dữ liệu đã được tính hợp đồng bộ vào hệ thống cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia (Cục Viễn thám Quốc gia, Bộ Tài nguyên mà Môi trường) quản lý để hình thành hệ thống khép kín. Ngoài ra, Viện Công nghệ Vũ trụ cũng đã xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu viễn thám của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Với khả năng chụp ảnh toàn cầu, dữ liệu của vệ tinh VNREDSat-1 đã đóng góp hiệu quả vào các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng các cấp (bao gồm chương trình cấp nhà nước, cấp bộ, hợp tác với các địa phương); đồng thời, VNREDSat-1 cũng tích cực đóng góp cho các nỗ lực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong khu vực ASEAN và trên thế giới. 

Là đối tác cùng phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phát triển dự án VNREDSat-1 từ những ý tưởng sơ khai tới nay, bà Hoàng Tri Mai - Tổng giám đốc Tập đoàn Airbus tại Việt Nam cho biết, Tập đoàn Airbus đánh giá cao trình độ công nghệ của phía Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Bà Hoàng Tri Mai nhấn mạnh, vệ tinh VNREDSat-1 đã và đang tích cực góp phần hỗ trợ Chính phủ và các bộ/ngành của Việt Nam giải quyết các thách thức trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh… Tập đoàn Airbus mong muốn sẽ tiếp tục được đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển không gian vũ trụ trong nhiều thập kỷ tới.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho rằng, VNREDSat-1 là ví dụ tiêu biểu cho sự hợp tác hết sức thành công trong lĩnh vực không gian vũ trụ và vệ tinh giữa 2 Chính phủ (Cộng hòa Pháp và Việt Nam). Chính phủ Pháp mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chiến lược này, cũng như chia sẻ các kỹ năng và chuyên môn thông qua đào tạo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trẻ và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để Việt Nam có thể thiết lập một ngành công nghiệp vũ trụ tích hợp.

Có thể khẳng định, với 10 năm hoạt động an toàn trên quỹ đạo của Trái đất, VNREDSat-1 đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020. Việc tiếp tục vận hành an toàn, hiệu quả vệ tinh VNREDSat-1 trong thời gian tới cũng như những kinh nghiệm đã thu được sẽ đóng góp không nhỏ vào quá trình thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030, bước đầu hình thành nền công nghiệp vũ trũ của Việt Nam, đưa Việt Nam vào nhóm Top đầu về công nghệ vệ tinh quan sát Trái đất trong khu vực.

Trong 10 năm trên quỹ đạo, VNREDSat-1 đã bay 53.000 vòng quanh Trái đất (tương đương 2,4 tỷ km), đặc biệt các tham số quỹ đạo vẫn được duy trì ổn định như: độ cao (680 km), góc nghiêng mặt phẳng quỹ đạo (98,10) và giờ địa phương tại điểm xuống (10:32). VNREDSat-1 đã thực hiện tổng cộng 56 lần hiệu chỉnh quỹ đạo, trong đó có 02 lần hiệu chỉnh lớn, 15 lần hiệu chỉnh tránh va chạm, còn lại là các hiệu chỉnh kỹ thuật. Lượng nhiên liệu còn lại trên vệ tinh là 2 kg (so với 4,3 kg khi đi vào quỹ đạo làm việc sau khi phóng), đủ để đảm bảo hoạt động điều chỉnh quỹ đạo trong vài năm tới, đồng thời thể hiện sự hiệu quả trong công tác điều khiển quỹ đạo vệ tinh.

Xuân Diện - Chu Ngân

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)