Thứ sáu, 19/05/2023 14:48

Gia Lai: Hiệu quả lâu dài từ Chương trình nông thôn miền núi

Trần Anh Tuấn

Phó Giám đốc Sở KH&CN Gia Lai

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, đã có hàng chục dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (gọi tắt là Chương trình nông thôn miền núi) được triển khai thành công trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Kết quả thực hiện các dự án đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của KH&CN trong sản xuất và đời sống của người dân.

Những dự án điển hình

Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên với khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông - lâm nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 500.000 ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 290.000 ha được quy hoạch cho trồng cây hàng năm và gần 210.000 ha cho cây lâu năm. 

Được sự quan tâm của Bộ KH&CN, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2016-2025, tỉnh Gia Lai đã triển khai 14 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi với tổng kinh phí đầu tư hơn 99,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 41,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 1 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 8,4 tỷ đồng, vốn danh nghiệp gần 13 tỷ đồng và huy động từ nguồn vốn đối ứng khác là hơn 35,2 tỷ đồng. Trong số 14 dự án được triển khai, có 11 dự án do Trung ương quản lý với tổng kinh phí thực hiện là hơn 80,7 tỷ đồng; 3 dự án ủy quyền tỉnh quản lý với tổng kinh phí hơn 18,0 tỷ đồng. Nhiều dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo niềm tin và góp phần tích cực vào việc thay đổi nhận thức cho người dân, giúp họ mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đời sống và sản xuất. Một số dự án điển hình có thể kể đến như:

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng và sơ chế dược liệu đảng sâm (Codonopsis javanica), đinh lăng (Polyscias fruticosa), nghệ vàng (Curcuma longa) và đương quy Nhật Bản (Angelica acutiloba) tại Gia Lai” do Chi nhánh Công ty CP Dược liệu Gia Định tại Gia Lai chủ trì thực hiện. Kết quả dự án đã tiếp nhận được 12 quy trình công nghệ (các quy trình công nghệ đã được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương). Thông qua các lớp tập huấn và các mô hình trình diễn, dự án đã chuyển giao được các kỹ thuật về nhân giống, trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản các loại dược liệu đảng sâm, đinh lăng, nghệ vàng và đương quy Nhật Bản. Sau thời gian triển khai, dự án đã mang lại gần 1,4 tỷ đồng lợi nhuận cho đơn vị chủ trì (tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt hơn 13%), bình quân mỗi năm lãi ròng hơn 455 triệu đồng. Dự án đã tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động nông thôn tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4,5-5 triệu đồng/tháng; bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và các hộ dân tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tại huyện Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.

Mô hình trồng dược liệu đảng sâm theo GACP - WHO tại huyện Chư Sê.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất một số loại cây nông nghiệp tại huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai” do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đăk Pơ chủ trì đã tiếp nhận được 3 quy trình công nghệ và xây dựng thành công 3 mô hình sản xuất ngô, sắn và chuối mốc. Tổng sản lượng ngô của 20 ha đạt gần 142 tấn, năng suất trung bình đạt 70,98 tạ/ha (vượt 0,98 tạ/ha), tổng doanh thu đạt hơn 872 triệu đồng. Tổng sản lượng sắn của 20 ha đạt 612,1 tấn, năng suất trung bình đạt 31,1 tấn/ha; doanh thu đạt hơn 1,02 tỷ đồng. Tổng sản lượng chuối mốc của 10 ha đạt hơn 304 tấn, năng suất trung bình đạt 31,6 tấn/ha, doanh thu đạt hơn 1,8 tỷ đồng. Kết quả đạt được của dự án đã giúp người nông dân thấy được hiệu quả của sản xuất ngô, sắn và chuối mốc khi ứng dụng đồng bộ các giải pháp về KH&CN, qua đó góp phần thay đổi dần nhận thức của họ trong canh tác, giảm thiểu áp lực việc di cư lao động tự do từ vùng nông thôn đến thành thị, góp phần ổn định dân sinh vùng dự án.

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển cà phê, hồ tiêu và bơ tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Prông thực hiện, đã hoàn thiện và tiếp nhận được 3 quy trình công nghệ; xây dựng thành công 5 ha mô hình tái canh cà phê, 2 ha mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn theo hướng VietGAP và 20 ha mô hình trồng xen và cải tạo vườn tạp bằng giống bơ trái vụ được công nhận; đào tạo, tập huấn cho bà con nông dân. Kết quả của dự án đã chứng minh khi áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong tái canh cây cà phê vối; sản xuất hồ tiêu an toàn; trồng xen cây bơ trái vụ trong vườn cà phê và cải tạo vườn tạp sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Thông qua việc đào tạo và chuyển giao các tiến bộ KH&CN, dự án không chỉ giúp người nông dân nắm bắt được các quy trình kỹ thuật sản xuất mà còn thúc đẩy họ mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án nói riêng và hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương nói chung.

Các mô hình trồng cà phê, hồ tiêu và bơ tại huyện Chư Prông.

Hiệu quả tích cực và lâu dài

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện các dự án nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua còn mang lại hiệu quả tích cực, lâu dài về mặt xã hội. Cụ thể:

Thứ nhất, thông qua các dự án, nhiều tiến bộ KH&CN đã được chuyển giao đến tận tay người dân. Các quy trình công nghệ được lựa chọn dựa trên tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu sản xuất của người dân nên phát huy hiệu quả, được bà con đón nhận và nhân rộng.

Thứ hai, việc tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KH&CN đã thu hút hàng nghìn lượt người dân tham gia tại các địa bàn triển khai dự án và những vùng lân cận. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc ứng dụng công nghệ mới, giống vật nuôi và cây trồng mới vào sản xuất, tiến đến sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản xuất bền vững.

Thứ ba, các dự án đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại cơ sở, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Từ đó tiến tới thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất.

Ngoài ra, Chương trình nông thôn miền núi còn góp phần hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ ở địa phương. Đây chính là những người trực tiếp tham gia chuyển giao và tiếp nhận các quy trình công nghệ để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững, cũng như khả năng nhân rộng kết quả của dự án. Việc triển khai các dự án đã huy động đồng bộ nhiều nguồn lực từ các tổ chức KH&CN, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân tham gia. Nhờ vậy, hoạt động của các dự án được xã hội hóa và góp phần hình thành mối liên kết 4 nhà: “Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp”.

Định hướng trong thời gian tới

Để đáp ứng xu thế phát triển chung của xã hội cũng như nhu cầu thực tế của thị trường, trong giai đoạn tới, Gia Lai tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm là thế mạnh của địa phương như: ứng dụng tiến bộ KH&CN về tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi (cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi gia súc lớn…) nhằm đưa các sản phẩm hàng hoá của tỉnh thâm nhập vào thị trường thế giới và có đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài; ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, sơ chế nông - lâm sản, các loại máy công cụ vừa và nhỏ; ứng dụng công nghệ sinh học vào chế biến, bảo quản nông - lâm sản sau thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm; xây dựng và phát triển các mô hình nông - lâm kết hợp phù hợp cho cộng đồng; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất một số loại dược liệu có giá trị cao nhằm bảo tồn nguồn gen cây dược liệu, đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh…

  Tiếp tục chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới vào những vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh. Từ đó đánh thức tiềm năng của địa phương, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tiến bộ KH&CN. Đào tạo thêm đội ngũ cán bộ là người địa phương, nhằm tạo ra đội ngũ kỹ thuật viên cơ sở có khả năng làm chủ được công nghệ mới, là đầu mối quan trọng tạo điều kiện đưa tiến bộ KH&CN đến với từng người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN tiên tiến vào thực tiễn sản xuất; tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước như truy xuất nguồn gốc, tư vấn xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương...

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)