Thứ tư, 17/05/2023 15:09

Cây xạ đen - Công dụng và cách sử dụng

Nguyễn Anh Khoa, Bùi Hồng Ngọc

Trường Đại học Y dược Hải Phòng

Hiện nay, cây xạ đen được nhiều người biết đến bởi nó là loại dược liệu tự nhiên có nhiều công dụng tốt với sức khỏe, đặc biệt phù hợp cho các bệnh nhân mắc ung thư. Vậy xạ đen có công dụng như thế nào và cách dùng hằng ngày ra sao để có thể phát huy tác dụng đối với một số bệnh nhân.

Tổng quan về cây xạ đen

Xạ đen (tên khoa học là Celastrus hindsii) thuộc loại cây dây leo thân gỗ, nhánh cây buông ra leo bám dài, mọc thành búi, dễ trồng. Thân cây dạng dây dài 3-10 m. Cành tròn, lúc non có màu xám nhạt, không có lông, sau chuyển sang màu nâu, có lông, về sau có màu xanh. Lá của cây xạ đen mọc so le, phiến lá hình bầu dục và đầu nhọn, chiều dài của lá khoảng 7-12 cm, chiều rộng khoảng 3-5 cm, mép lá có răng cưa ngắn, cuống lá tương đối ngắn (khoảng 5-7 mm).

Lá và hoa của cây xạ đen.

Hoa của cây xạ đen có màu trắng, 5 cánh, thường mọc từng chùm ở nách hoặc ngọn lá, chùm hoa dài 5-10 cm, còn cuống hoa dài khoảng 2-4 mm. Quả xạ đen có hình giống quả trứng và dài khoảng 1 cm. Quả thường có màu xanh, chuyển vàng khi chín và tách thành 3 mảnh. Cây xạ đen ra hoa vào tháng 3 đến tháng 5 và có quả từ tháng 8 đến tháng 12. Ở nước ta, cây xạ đen mọc nhiều ở khu vực rừng núi, đặc biệt là tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa và Ninh Bình. Bên cạnh nước ta thì hiện nay cây xạ đen đã được phân bố rộng rãi ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia...

Công dụng và cách sử dụng cây xạ đen

Cây xạ đen còn được dân gian gọi là cây ung thư vì thành phần hóa học của cây có khả năng ức chế tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư gan và ung thư phổi. Cây xạ đen có thành phần hóa học gồm những polyphenol (axit lithospermic và axit lithospermic B, axit rosmarinic, kaempferol 3-rutinoside, rutin); sesquiterpene và triterpene; các nhóm hợp chất khác như axit amin, quinone, flavonoid, tanin,... với những thành phần đó, cây xạ đen có các tác dụng dược lý bao gồm: i) Chống khối u: các hợp chất polyphenol, flavonoid, quinone trong cây xạ đen có tác dụng ức chế tế bào ung thư phát triển, hóa lỏng tế bào ung thư để chúng dễ dàng bị tiêu hủy, từ đó chống hình thành khối u và di căn; ii) Chống oxy hóa: các chất hóa học có trong cây xạ đen có khả năng chống lại các gốc tự do và làm suy giảm những tác hại của gốc tự do đối với tế bào; iii) Chống nhiễm khuẩn: một số chất trong cây xạ đen, đặc biệt là hợp chất saponin triterpenoid có khả năng bảo vệ cơ thể trước tác nhân vi khuẩn xâm nhập; iv) Cải thiện chức năng và giải độc cho gan: hoạt chất có trong cây xạ đen có thể hỗ trợ điều trị xơ gan, viêm gan, men gan cao, chống lại các bệnh gan thứ phát; v) Cải thiện giấc ngủ và cảm giác ngon miệng: xạ đen tương đối tốt với người bị suy nhược cơ thể, mất ngủ thường xuyên, bị thiếu máu. Loại cây này còn có khả năng cải thiện tuần hoàn máu, giúp hỗ trợ chữa trị chứng chóng mặt hoa mắt.

Mặc dù xạ đen là một loại dược liệu tự nhiên tương đối lành tính nhưng nếu dùng sai cách và không đúng liều lượng vẫn có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như đầy bụng, chóng mặt, đi ngoài, buồn ngủ... Nếu dùng các bài thuốc từ xạ đen để điều trị ung thư kết hợp với các loại thuốc Tây thì nên uống thuốc cách nhau tối thiểu 30 phút để tránh tương tác thuốc và đạt được hiệu quả tốt nhất. Người bị bệnh thận không nên dùng xạ đen để tránh nguy cơ suy giảm chức năng thận. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cũng là những đối tượng không nên dùng xạ đen. Đối với mỗi người bệnh khác nhau, cây xạ đen có bài thuốc riêng. Cụ thể:

Bài thuốc dành cho người mắc bệnh gan: dùng 50 g thân và lá xạ đen kết hợp với 10 g mật nhân và 30 g cà gai leo đem nấu với 2 lít nước, đun sôi được 15 phút và lọc lấy nước để uống trong ngày.

Bài thuốc tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh: lấy 70 g lá và thân xạ đen nấu với 1,5 lít nước đến khi sôi thì giảm nhiệt và để trong 20 phút sau đó lấy phần nước để uống thay nước lọc.

Bài thuốc dành cho người bị ung thư: kết hợp 40 g xạ đen với 30 g bạch hoa xà và 20 g bán chi liên đem sắc cùng 1,5 lít nước, đun đến khi chỉ còn 600 ml thì chắt phần nước, để nguội và dùng làm nước uống trong ngày.

Cầm máu và trị mụn nhọt: sát trùng vết thương sạch sẽ rồi giã nát 3-5 lá xạ đen tươi để đắp lên vết thương sau đó băng lại.

Như vậy có thể thấy, công dụng mà cây xạ đen mang lại cho sức khỏe là rất lớn. Tuy nhiên, để đạt được mục đích sử dụng xạ đen một cách tối ưu, người dùng nên tham vấn ý kiến của người có chuyên môn để tránh trường hợp lạm dụng hoặc dùng sai cách dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)