Thứ tư, 31/05/2023 14:53

Con người, ý tưởng, công nghệ, tài chính là những nền tảng quan trọng để tự chủ đại học thành công

Nhằm thảo luận về vấn đề tự chủ và nguồn lực đầu tư cho tự chủ trong giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay, mới đây, Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ”. Tại đây, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, tự chủ không phải đơn thuần là chỉ tăng quyền cho lãnh đạo nhà trường mà còn phải khơi dậy ý tưởng sáng tạo của tất cả các thành viên. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cùng với xã hội hóa nguồn lực tài chính… sẽ là nền tảng quan trọng để tự chủ thành công.

Tự chủ đại học - nhiều cách hiểu

Giáo dục Việt Nam, nhất là giáo dục đại học đang trong giai đoạn đổi mới mạnh mẽ và hội nhập hiệu quả hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa về giáo dục. Do đó, việc đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Thực tiễn cho thấy, tự chủ đại học là một quá trình phát triển cần có điều kiện, thời gian để chuyển đổi từ nhận thức, ý thức đến văn hóa, chất lượng trong hệ thống giáo dục và toàn xã hội.

Khái niệm “bộ chủ quản” hoặc “cơ quan quản lý trực tiếp” còn nhiều tranh luận; việc phân định về vai trò, trách nhiệm của đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu chưa đầy đủ, rõ ràng, dẫn tới vị thế của hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường còn mờ nhạt (hội đồng trường được quy định nhiều quyền nhưng không gắn với trách nhiệm và lợi ích nên việc giám sát điều hành và quản lý đối với ban giám hiệu, hiệu trưởng theo quyết nghị của hội đồng trường chưa thực hiện đầy đủ).

Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều cán bộ, giảng viên và bản thân các thành viên hội đồng trường còn hạn chế, nhiều thành viên hội đồng trường chưa hiểu rõ chức năng và thể thức hoạt động của hội đồng trường cũng như trách nhiệm, quyền hạn của mình.

Ngoài ra, các công cụ chính sách thực hiện các nội dung tự chủ còn hạn chế (chẳng hạn như bộ máy, tổ chức, nhân sự…, nhiều trường đại học chưa được tự chủ trong lựa chọn, bổ nhiệm, bãi nhiệm người đứng đầu… dẫn đến việc lúng túng trong quá trình triển khai).

Xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập

GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thời cơ và thách thức. Vấn đề tự chủ là yêu cầu và xu thế tất yếu của các trường đại học trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học sẽ giúp các đơn vị chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa và gia tăng nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như các hoạt động khác của cơ sở để phát triển.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, để phát triển giáo dục đại học, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/06/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 đã quy định từng bước thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong giáo dục, trước mắt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục. Việc vận dụng mô hình PPP trong giáo dục nước ta là một bước phát triển mới của tiến trình xã hội hóa trong bối cảnh hình thành thị trường giáo dục. Trên thế giới, các nghiên cứu về PPP trong giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng cũng khá phong phú để giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như các cơ sở giáo dục vận dụng thành công giải pháp này trong việc tháo gỡ các khó khăn về tài chính trong phát triển. Tuy nhiên, giáo dục đại học Việt Nam, dù đã rất quen thuộc với các giải pháp xã hội hóa truyền thống, lại đang còn bỡ ngỡ với mô hình PPP. Các nghiên cứu để làm rõ vai trò của PPP cũng như cách thức đưa PPP vào đời sống giáo dục đại học Việt Nam cũng còn rất hạn chế. Sự hạn chế này kéo theo một số hạn chế khác trong xây dựng chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện, khiến việc đưa PPP vào đời sống giáo dục đại học nước ta đối diện với nhiều rào cản. Trong lĩnh vực giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học hiện được chia thành 4 loại: 1) Cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư; 2) Cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên; 3) Cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 4) Cơ sở giáo dục đại học do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Lộ trình đặt ra là các cơ sở giáo dục đại học phải chuyển dần sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trên cơ sở từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đào tạo, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Những thách thức trên càng trở nên bức bách do tác động của đại dịch Covid-19. Việc giảm nguồn thu học phí do nhà trường ngưng hoạt động đi đôi với yêu cầu phải tăng các khoản chi để triển khai dạy và học trực tuyến đã là nỗi lo chung của các cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 đã là cú hích để các cơ sở giáo dục đại học chuyển nhanh sang chuyển đổi số, nhưng khảo sát trên phạm vi toàn cầu cho thấy, ngay cả ở những nước phát triển, khó khăn về tài chính là rào cản lớn nhất trong bước chuyển này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển các cơ sở giáo dục theo hướng tự chủ, Nhà nước có chính sách, mục tiêu và kế hoạch đầu tư trường công, tạo sự công bằng trong tiếp cận, đầu tư các ngành học mà các trường ngoài công lập chưa có khả năng hay chưa muốn đầu tư như nghiên cứu, sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn, hỗ trợ các ngành học, các đề tài nghiên cứu mang tính đột phá… Môi trường sống, học tập của sinh viên rất quan trọng, do đó các trường đại học cần được đầu tư về cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phát triển. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các đại học trong nước tiếp cận với các trường uy tín trong khu vực và thế giới qua nhiều chương trình hợp tác, liên kết đào tạo, trao đổi học thuật và nghiên cứu, điều kiện để các trường phát triển nội lực và đồng thời nâng tầm với thế giới. Quan trọng không kém là một cơ chế quản lý, vận hành tốt, phát huy tinh thần sáng tạo, tự do học thuật và tính tự chủ của đại học trong giảng dạy và nghiên cứu, liên kết và chia sẻ thông tin với thế giới... Đó là những nguyên tắc trong phát triển giáo dục đại học.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Giáo dục đại học có vai trò quan trọng, đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho phát triển, nên cần có sự đầu tư tương xứng. Trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường khả năng tiếp cận, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, dịch chuyển cơ cấu giữa các ngành nghề, các trình độ đào tạo, cũng như tối ưu hóa hoạt động của cả hệ thống. Điểm nghẽn trong đại học là khơi thông nguồn lực, trong đó nguồn lực quan trọng nhất là nguồn lực tài chính. Do vậy, bên cạnh việc khơi dậy ý tưởng sáng tạo, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thì việc đa dạng hóa nguồn lực tài chính… chính là nền tảng quan trọng để phát triển giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội.

Lê Nguyễn Đoan Khôi

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)