Thứ sáu, 19/01/2024 15:47

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: Quốc tế hóa chương trình đào tạo là trọng tâm phát triển

Năm 2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã khẳng định vị thế trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về đào tạo và nghiên cứu liên ngành, xây dựng văn hoá nhân văn, tổ chức nhiều sự kiện quốc tế và ký kết hợp tác với các địa phương. Nhân dịp đầu năm 2024, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (TCKHCNVN) đã có buổi trao đổi với PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Nhà trường về trọng tâm phát triển của trường.

TCKHCNVN: Xin PGS chia sẻ về những kết quả nổi bật mà PGS tâm đắc nhất trong năm qua?

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: Sau khi Nghị định 50/2022/NĐ-CP ngày 02/8/2022 vừa được ban hành, quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập gồm viên chức có học hàm GS, PGS, viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo là TS… theo đó, giảm tuổi nghỉ hưu đối với người có chức danh GS, PGS, TS, điều này gây ảnh hưởng đến việc đào tạo sau đại học do thiếu hụt đội ngũ đào tạo theo yêu cầu. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của vấn đề suy thoái kinh tế toàn cầu và đặc biệt là vấn đề tự chủ đại học. Đây là năm thứ hai Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn tự chủ. Thách thức của tự chủ đại học là làm cách nào để cân bằng hài hoà giữa các ngành khoa học cơ bản và các ngành đào tạo có nhu cầu cao. Với sự nỗ lực không ngừng của tập thể Nhà trường và sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, năm 2023, Nhà trường đã đạt được một số kết quả nhất định.

Một là, khẳng định được vị thế của Nhà trường trong hoạt động phục vụ cộng đồng. Từ đó, cho thấy tính thực tiễn và giá trị của ngành KHXH&NV. Hiện nay, Nhà trường có nhiều đề án ký kết hợp tác với các địa phương như: Long An, Bình Dương, Ninh Thuận… và tích cực tham dự nhiều diễn đàn quốc tế như: Hội nghị Giáo dục toàn cầu Going Global tại Anh, Dự án PHER…

Hai, nâng cao nhận thức về đào tạo và nghiên cứu liên ngành để làm nền tảng cho các hoạt động của Nhà trường trong năm 2024. Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: tổ chức thành công tọa đàm khoa học "Trí tuệ nhân tạo (AI) với khoa học và nhân văn: xu hướng và cách tiếp cận", xây dựng đề án mở ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc…

Ba, xây dựng văn hoá Nhân văn trên nền tảng Bộ Giá trị cốt lõi và Triết lý giáo dục thông qua các hoạt động: chương trình talkshow kết nối, trao đổi kinh nghiệm giữa cựu sinh viên và sinh viên của Trường, tạo điều kiện để cựu sinh viên Nhà trường ở các vị trí quan trọng khác nhau trong xã hội truyền lửa cho các thế hệ đàn em sau này; giảng viên, sinh viên Nhà trường lan toả các nét đẹp văn hoá xã hội, tinh thần và cống hiến sức trẻ của giảng viên và sinh viên ra toàn xã hội thông qua các hoạt động học tập và rèn luyện như: đội kịch CKT đoạt giải quán quân chương trình “Hành trình bài ca sinh viên”, sinh viên Nhà trường tham gia các kỳ thi Olympic tin học… Không chỉ vậy, chương trình Đại học Xanh cũng đã có những tác động tích cực, mang các giá trị xanh và bền vững lan toả ra toàn xã hội.

TCKHCNVN: Những năm gần đây, bối cảnh chung được đánh giá là “nhiều biến động”, theo PGS, trong bối cảnh này, ngành KHXH&NV trong nước có những thách thức và thời cơ nào?

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: Có thể nói, tự chủ vừa là thời cơ, đồng thời cũng là thách thức đối với các ngành KHXH&NV. Đây là điều kiện để phát triển tiềm năng của Nhà trường trong việc đầu tư nghiên cứu khoa học, thay đổi các chương trình đào tạo theo hướng quốc tế hoá. Bên cạnh cơ hội thì tự chủ đại học cũng phải đối mặt với các thách thức lớn, đó là, Nhà trường có nhiều ngành khoa học cơ bản, do vậy, khó khăn trong việc đảm bảo duy trì ngành theo quy định hiện hành vốn áp dụng chung cho tất các các ngành đào tạo.

Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế là yêu cầu hết sức cần thiết, là cơ hội để nâng cao năng lực của cả người dạy lẫn người học. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau mà năng lực hội nhập trong đào tạo và nghiên cứu các ngành KHXH&NV vẫn còn nhiều hạn chế.

Tiếp đến, vấn đề đảm bảo công bằng cho sự tiếp cận giáo dục đối với người học. Bởi tự chủ đại học kéo theo nhiều vấn đề phát sinh, nhất là vấn đề tăng học phí. Do đó, một số ngành sẽ có mức học phí khá cao, gây áp lực cho người học.

Và việc thu hút và giữ chân các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đầu ngành trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay cũng là một thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục đào tạo nhóm ngành này.

TCKHCNVN: Trên góc độ vừa là nhà khoa học, vừa là nhà quản lý, theo PGS, ngành KHXH&NV trong nước cần quan tâm tới những vấn đề quan trọng nào để đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: Có thể khẳng định, KHXH&NV là ngành học quan trọng, nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề nổi bật sau:

Một là, cần quan tâm hơn đến việc tư vấn và phản biện các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hai là, văn hoá đang được xem là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù Nhà nước ta đã có nhiều sự đầu tư trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn, đề xuất các giải pháp phù hợp để văn hoá thật sự là động lực cho sự phát triển.

Ba là, cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay bởi đây chính là cỗ máy tạo ra những con người tài ba phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã  có những bất cập nhất định nên cần có những nghiên cứu thấu đáo để tìm ra các giải pháp phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập hết sức mạnh mẽ với thế giới và nhu cầu phát triển trong nước.

TCKHCNVN: Xin PGS chia sẻ một vài kế hoạch/dự định của Nhà trường trong năm 2024?

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: Năm 2024, trên cơ sở những thành quả đã đạt được, Nhà trường chú trọng đến vấn đề quốc tế hoá chương trình đào tạo nhằm tăng cường các trải nghiệm của người dạy và người học. Bên cạnh đó, tạo môi trường để triển khai, hiện thực hoá những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực KHXH&NV trên nền tảng sáng tạo xã hội, đồng thời, chú trọng đến vấn đề liên ngành giữa các ngành khoa học. Từ đó, đề xuất các giải pháp phù hợp cho các vấn đề vốn rất đa dạng và phức tạp của xã hội.

Tích cực trong hoạt động xây dựng mạng lưới các trường đại học về đào tạo các ngành khoa học cơ bản nhằm học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và có các kiến nghị chính sách đối với ngành này. Trong tháng 12/2023, Nhà trường đã tham dự Hội nghị các trường đại học đào tạo khoa học cơ bản năm 2023 và tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHKHTN, ĐHQGTPHCM). Đây hứa hẹn sẽ là cơ hội hợp tác để các trường có kế hoạch phát triển trong năm 2024.

TCKHCNVN: Xin trân trọng cảm ơn PGS. Chúc cho Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGTPHCM hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024.

MN, CD

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)