Thứ sáu, 08/03/2024 15:28

Ô nhiễm môi trường: Biện pháp phục hồi và quản lý

Vừa qua, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội Hóa học và Độc học môi trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phối hợp cùng Trường Đại học Auburn (Hoa Kỳ), Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về ô nhiễm môi trường: Biện pháp phục hồi và quản lý - ICEPORM 2024.

Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm quản lý, thảo luận vấn đề môi trường, tiếp tục củng cố sự hợp tác cho nghiên cứu, giáo dục giữa các nhà khoa học ở các nước phát triển và đang phát triển.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS Hoàng Chung Thẩm - Đại học Auburn (Mỹ), Trưởng Ban tổ chức hội thảo cho biết, con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là đối với các nước có nền kinh tế đang phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đang sống hoàn toàn dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản của hệ sinh thái tự nhiên, do đó, bảo vệ môi trường (BVMT) để duy trì cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo chức năng của hệ sinh thái phục vụ sự sống là việc làm rất cần thiết. Để giải quyết được vấn đề môi trường một cách trọn vẹn, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ sở sản xuất tư nhân, nhà máy công nghiệp để tìm ra giải pháp chung, phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững.

Toàn cảnh Hội thảo.

Ông Dương Nguyễn - Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đánh giá cao tinh thần làm việc không mệt mỏi của các nhà khoa học về môi trường, đã giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định sáng suốt. Thời gian qua, USAID đã hợp tác chiến lược với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để cải thiện an ninh môi trường và hỗ trợ hành động tập thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chỉ tính từ 2021 đến nay, USAID đã hỗ trợ Bộ TN&MT, các tỉnh, thành phố, các nhà nghiên cứu địa phương hơn 30 triệu USD để giải quyết ô nhiễm môi trường. Để duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường, USAID sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam và các bên liên quan ở địa phương trong thời gian tới. Thông qua các cơ quan nghiên cứu đang làm việc với các đối tác ở Việt Nam, Pháp hợp tác cùng Việt Nam để hiểu rõ hơn tác động chung của phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học, sức khỏe cộng đồng và an ninh lương thực.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chia sẻ, mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với BVMT nhằm hướng tới phát triển bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên. Liên Hợp quốc cũng đã cảnh báo, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có. Điều này đã và đang gia tăng các thách thức đối với không chỉ Việt Nam mà là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước

Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế tham dự Hội thảo sẽ dành nhiều thời gian chia sẻ, trao đổi thẳng thắn những vấn đề về khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm tại Việt Nam hiện nay; đồng thời, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để cùng nhau tìm ra lời giải đáp hiệu quả, phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững đất nước và triển khai cam kết của Việt Nam “Giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

BB

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)