Thứ tư, 20/03/2024 11:00

Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển: Đơn vị uy tín trong giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài

Đánh giá cao những nỗ lực của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (VNH&KHPT) trong 20 năm qua (tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập diễn ra ngày 19/03/2024), Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Lê Quân khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ được giao và dựa trên thế mạnh vốn có, Viện VNH&KHPT là một đơn vị uy tín trong giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài.

Giám đốc Lê Quân cho biết, nhiều chuyên gia đầu ngành về Việt Nam học tại các quốc gia trên thế giới đã từng theo học các khóa tiếng Việt tại Viện. Tính đến nay, đã có khoảng hơn 500 sinh viên nước ngoài tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về tiếng Việt tại Viện ở những trình độ khác nhau. Đây là nền tảng quan trọng để họ tiếp tục học tập ở những trình độ cao hơn (thạc sỹ, tiến sỹ), hoặc để phục vụ tốt hơn những công việc ở Việt Nam và liên quan tới Việt Nam.

Chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của Viện VNH&KHPT, Viện trưởng Phạm Đức Anh cho biết, người có công khai mở, dẫn dắt nền Việt Nam học “liên ngành, liên kết và hội nhập quốc tế”, cũng như đặt nền móng cho sự ra đời của Viện VNH&KHPT sau này là GS Phan Huy Lê. Nhìn lại bối cảnh thời kỳ đó, có thể coi đây là một quyết định lịch sử, bởi nó nâng tầm sáng kiến của một tập thể nhà khoa học, một trường đại học lên tầm vóc quốc gia; chính thức khai sinh một tổ chức khoa học nghiên cứu liên ngành đầu tiên về Việt Nam, đóng vai trò cầu nối học thuật và giao lưu văn hóa giữa giới nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và quốc tế.

Từ định hướng có tầm chiến lược, dựa trên những thành tựu quan trọng đã đạt được và nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam học trong bối cảnh mới, ngày 19/3/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 04/2004/QĐ-TTg thành lập Viện VNH&KHPT thuộc ĐHQGHN, tiếp tục triển khai nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học về Việt Nam học theo định hướng liên ngành, trên nền tảng khu vực học.

Trải qua quá trình phát triển gồm 15 năm thời kỳ là Trung tâm và 20 năm kể từ khi thành lập, Viện VNH&KHPT đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, từng bước vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh của một viện quốc gia đầu ngành về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở cả trong và ngoài nước. Viện đã khẳng định được uy tín và vị thế của một trung tâm hàng đầu cả nước trong nghiên cứu cơ bản, liên ngành theo định hướng ứng dụng về các vấn đề liên quan tới Việt Nam học. Các đề tài được triển khai tại Viện tập trung vào hướng nghiên cứu và có những đóng góp thiết thực trong nhiều vấn đề quan trọng của Việt Nam như: Nghiên cứu góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển và hải đảo; Nghiên cứu hệ thống chính trị và chủ thuyết phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế; Nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ, về Thăng Long - Hà Nội (chỉ riêng trong dịp kỷ niệm 1.000 năm lịch sử của Thủ đô, Viện đã tổ chức biên soạn, xuất bản 17/94 công trình và tham gia biên soạn 20 công trình khác thuộc Tủ sách Thăng Long - Hà Nội); Nghiên cứu các địa phương, khu vực phục vụ phát triển bền vững nông thôn và đô thị; Tham gia nghiên cứu và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới đối với Phố cổ Hội An (1999), Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2010), Thành Nhà Hồ (2011)... Đặc biệt, Viện đã tập trung triển khai hướng nghiên cứu chiến lược phục vụ xây dựng chính sách. Suốt những năm qua, các chuyên gia của Viện đã tham gia nghiên cứu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ/ban/ngành và địa phương những vấn đề hệ trọng, cấp thiết.

Trong khuôn khổ của buổi Lễ, Viện VNH&KHPT cũng đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đây là dịp để giới nghiên cứu Viện Nam học trong và ngoài nước cùng nhìn nhận, đánh giá về sự phát triển của ngành Việt Nam học trên thế giới và ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; cập nhật những thành tựu, xu hướng và chia sẻ những kinh nghiệm, bài học trong nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học; xác định hướng phát triển của ngành Việt Nam học trong giai đoạn sắp tới, cũng như vai trò, đóng góp của ngành khoa học này đối với sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam; tăng cường kết nối, mở rộng hợp tác, phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu…

Chương trình hội thảo được sắp xếp thành 4 nhóm chủ đề lớn như: (1) Những vấn đề chung về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học; (2) Việt Nam học: Những vấn đề văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ; (3)Việt Nam học: Những vấn đề phát triển bền vững; (4) Đào tạo Việt Nam học. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có những tham luận và thảo luận chuyên sâu theo các chủ đề xoay quanh vấn đề đào tạo, nghiên cứu Việt Nam học… Nội dung của các báo cáo tham luận rất phong phú và đa dạng, tiếp cận chủ đề của hội thảo từ nhiều khía cạnh khoa học và lĩnh vực chuyên môn khác nhau, toàn diện nhưng cũng rất chuyên sâu, đưa tới nhiều nhận thức mới trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.

VH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)