Thứ sáu, 03/05/2024 16:02

Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện

“Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam” là chủ đề của Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội nghị dự kiến diễn ra vào tháng 6/2024.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Cách đây đúng 10 năm, vào tháng 4/2014 tại TP Hồ Chí Minh, GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phát động giới sử học cả nước đẩy mạnh nghiên cứu về chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức nhằm tập hợp và tổng kết các thành tựu nghiên cứu về chủ quyền lãnh thổ quốc gia theo phương pháp tiếp cận toàn bộ, toàn diện của lịch sử Việt Nam tính từ năm 2014 cho đến nay, phục vụ cho các chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước trong hoàn cảnh lịch sử mới. Đây là Hội nghị Sử học toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức và sẽ mở ra thông lệ từ năm 2024 trở đi, cứ khoảng 5 năm một lần, sẽ luân phiên tổ chức tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu sử học lớn của cả nước, về các chủ đề khác nhau, đáp ứng yêu cầu của khoa học và thực tiễn xã hội.

Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất sẽ tập trung vào các nội dung sau: 1) Tổng kết các kết quả nghiên cứu về quá trình xác lập, khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của các cộng đồng trên lãnh thổ Việt Nam trong tiến trình lịch sử Việt Nam; 2) Công bố những chủ đề mới, nguồn tư liệu mới, cách thức tiếp cận mới... trong nghiên cứu về chủ quyền lãnh thổ quốc gia phục vụ cho định hướng nghiên cứu toàn bộ, toàn diện của lịch sử Việt Nam; 3) Trao đổi, thảo luận để đề xuất giải pháp thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, nhất là chủ quyền biển đảo, góp phần phục vụ công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Hội nghị dự kiến sẽ được tổ chức trực tiếp tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, gồm ba phiên: phiên khai mạc; phiên thảo luận; phiên tổng kết, bế mạc. Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham gia của khoảng 250 nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước với 150 báo cáo tham luận. Sau hội nghị, các báo cáo khoa học sẽ được chỉnh sửa, biên tập, hoàn thiện để xuất bản.

VH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)