Thứ năm, 09/05/2024 15:07

Thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon

Ngày 08/05/2024, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức cuộc họp về tình hình quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc họp

Thực tiễn việc sử dụng n chỉ carbon trên thế giới

Báo cáo về tình hình quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước (Điều 139) và được quy định chi tiết tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn. Theo đó, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì thành lập thị trường carbon trong nước, Bộ TN&MT tổ chức vận hành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới. Lộ trình triển khai thị trường carbon trong nước chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thí điểm từ năm 2025 đến năm 2027; giai đoạn vận hành chính thức từ năm sau 2028.

Về việc chuẩn bị cho phân bổ hạn ngạch phát thải, thực hiện quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật (Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022). Các cơ sở sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Đến nay, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết về kiểm kê khí nhà kính; Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chất thải. Bộ Công Thương đã ban hành quy định kỹ thuật cho lĩnh vực công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành quy định kỹ thuật cho lĩnh vực lâm nghiệp.

Theo báo cáo, hiện nay Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn riêng để hình thành cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nội địa, tuy nhiên trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế để trao đổi trên thị trường carbon tự nguyện quốc tế, chủ yếu là các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (Cơ chế CDM). Thông qua các cơ chế, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính hấp thụ từ rừng với một số quỹ lâm nghiệp như Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp toàn cầu, Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp. Phần lớn lượng giảm phát thải đều được giữ lại đóng góp cho thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Trên cơ sở tình hình phát triển thị trường carbon trên thế giới và trong nước, Cục Biến đổi khí hậu đã đề xuất các nội dung cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, nhóm công việc chung về tổ chức và phát triển thị trường carbon bao gồm: Ban hành quy định hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cho các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính; xây dựng Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; Ban hành quy định, cơ chế tài chính đối với hạn ngạch và tín chỉ carbon; Tăng cường năng lực cho các đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Nhóm công việc về tổ chức và phát triển thị trường tuân thủ bao gồm: hỗ trợ các cơ sở thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2022, 2023 và 2024 cho các cơ sở dự kiến được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính (nhiệt điện, sản xuất thép, sản xuất xi măng); phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; thiết lập và quản lý sàn giao dịch carbon; xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch carbon.

Nhóm công việc về phát triển thị trường tự nguyện bao gồm: ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực; ban hành tiêu chuẩn về tín chỉ carbon theo từng lĩnh vực; ban hành quy định thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và quy định về điều chỉnh tương ứng; Kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Về cơ sở pháp lý phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã phát biểu ý kiến thảo luận, góp ý cho các nội dung liên quan đến tăng cường quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ TM&MT Lê Công Thành yêu cầu Cục Biến đổi khí hậu lưu ý các đề xuất để triển khai các công việc trong thời gian tới, đặc biệt là hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và triển khai Chỉ thị số Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện NDC. Trong đó, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh nghiên cứu thiết lập Hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý được các chương trình, dự án tạo tín chỉ, việc trao đổi tín chỉ và quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, giảm phát thải khí nhà kính là xu thế chung của thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này và có thể tận dụng các cơ hội để phát triển, đem lại lợi ích lớn nhất từ quá trình chuyển đổi theo hướng phát thải thấp. Trong kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, các Bộ quản lý cần chỉ rõ lượng giảm phát thải sẽ đóng góp cho thực hiện mục tiêu NDC nhằm đảm bảo nghĩa vụ của Việt Nam đối với quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Lê Công Thành, đồng thời, giao Cục Biến đổi khí hậu là cơ quan đầu mối để phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, địa phương để xây dựng các chương trình thực hiện quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chỉ đạo về tình hình quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Cục Biến đổi khí hậu bám sát Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/05/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện NDC. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lần lượt các bộ Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, NN&PTNT, TN&MT cùng thực hiện các nhiệm vụ để tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường carbon, đảm bảo thực hiện NDC, hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác tham gia, đồng thời cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về thị trường carbon và phương thức tạo tín chỉ carbon để có thể giao dịch trên thị trường.

Với các cơ quan của Bộ TN&MT, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị của Bộ cần bám sát quan điểm phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia khi xây dựng chính sách. Đồng thời, thực hiện đúng các yêu cầu từ Chỉ thị số 13/CT-TTg để nghiên cứu, thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường carbon trong nước. Song song với đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, nội dung và phối hợp với các cơ quan chuyên môn, để đẩy mạnh công tác truyền thông tới doanh nghiệp, địa phương và cả người dân để mọi người hiểu và nắm rõ về tình hình quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị chuyên môn, Viện nghiên cứu của Bộ TN&MT tăng cường trao đổi, tham vấn với các chuyên gia, tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời xây dựng chính sách, trong đó có các quy định về tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi tín chỉ carbon trong và ngoài nước đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, bên cạnh việc xây dựng chính sách, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn sớm bắt tay vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu của nội dung này để chủ động nắm bắt các cơ hội của thế giới, đóng góp chung vào việc chuyển đổi số của ngành, của quốc gia.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kỳ vọng, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương sẽ đóng góp chung vào việc thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

PT

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)