Thứ sáu, 26/06/2020 10:26

Thay đổi mô hình tăng trưởng tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao

Mới đây, tại buổi Lễ công bố báo cáo “Việt Nam năng động tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao”, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng: Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, nhưng trong thời gian tới, lợi thế sẽ giảm dần và phải đối mặt với những bất lợi mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cần đặt trọng tâm vào tăng năng suất, dựa vào đổi mới sáng tạo và phát huy 4 nguồn vốn quan trọng (doanh nghiệp năng động; cơ sở hạ tầng hiệu quả; lao động có kỹ năng và cơ hội cho tất cả mọi người; nền kinh tế xanh).

Thành công trong phát triển và những bất lợi phải đối mặt

Trong hai thập kỷ qua, thu nhập bình quân của hộ gia đình tăng gấp 4 lần và tỷ lệ nghèo đói cùng cực đã giảm từ 50% xuống còn khoảng 2%. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc để tăng tuổi thọ và tỷ lệ trẻ đến trường. Những thành tựu phát triển này là kết quả của các chính sách kinh tế - xã hội hiệu quả, bắt đầu từ công cuộc Đổi mới năm 1986. Nhưng các kết quả tích cực này cũng được hỗ trợ một phần bởi các xu hướng thuận lợi trong nước và trên thế giới. Công nghệ mới trong ngành nông nghiệp đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu, dẫn đến 30% lực lượng lao động dịch chuyển từ khu vực nông thôn sang những công việc có năng suất cao hơn. Dân số trẻ đã làm gia tăng lực lượng lao động. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thương mại toàn cầu. Đầu tiên là xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh nhờ vào nguồn tài nguyên tương đối dồi dào, với đất đai màu mỡ và nhiều nguồn nước, tiếp theo là các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may và gần đây nhất là điện tử. Các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người lao động của Việt Nam đã nhìn ra cơ hội và tận dụng được những lợi thế này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, những điều kiện thuận lợi nêu trên có thể biến thành trở ngại. Lợi thế dân số sẽ giảm dần khi tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi như ở các nước Đông Á khác. Tự động hóa và các công nghệ đột phá khác có thể bù đắp nguồn cung lao động giảm xuống nhưng cũng có thể loại bỏ chính những việc làm hiện nay của phần lớn lực lượng lao động của Việt Nam. Tình hình ô nhiễm gia tăng cùng với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, và cả sản lượng sản xuất tại khu vực nông thôn và thành thị với mức độ ngày càng lớn.

Mặt khác, bối cảnh quốc tế cũng đang thay đổi: thương mại toàn cầu đã giảm trong 10 năm qua; hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tuy vẫn tăng trưởng tích cực hơn hầu hết các nước khác, nhưng gia tăng căng thẳng thương mại và những xu hướng như bảo hộ kinh tế có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 có thể gây ra một cơn địa chấn, có thể thay đổi vĩnh viễn hệ thống quốc tế và cán cân quyền lực. Đại dịch COVID-19 có thể sẽ là một yếu tố thúc đẩy một số xu thế lớn, có thể làm suy yếu thêm những nguyên lý cơ bản của toàn cầu hóa kinh tế. Những bất lợi nêu trên buộc Việt Nam phải đổi mới mô hình tăng trưởng nếu muốn đáp ứng khát vọng của người dân và Chính phủ là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Khi đổi mới mô hình tăng trưởng, Việt Nam cần đặt mục tiêu tăng năng suất lên hàng đầu và dựa vào đổi mới sáng tạo.

4 nguồn vốn quan trọng

Vốn tư nhân - doanh nghiệp năng động

Khu vực doanh nghiệp của Việt Nam đa phần là các công ty mới thành lập, năng động và đa dạng. Mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp phi nông nghiệp mới đăng ký thành lập tại Việt Nam. 90% các doanh nghiệp là công ty gia đình, hầu hết có từ 3 lao động trở xuống. Phần lớn các doanh nghiệp này có quy mô rất nhỏ, thiếu vốn và tập trung quá mức vào những ngành nghề truyền thống. Các doanh nghiệp hiếm khi phát triển đến một quy mô đủ lớn để có thể hưởng lợi thế kinh tế của quy mô và tiếp cận dễ dàng đến các nguồn tài chính và công nghệ. Ở đầu kia của hàm phân phối doanh nghiệp theo quy mô, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và một số tổng công ty lớn trong nước đang chiếm lĩnh thị trường. DNNN kiểm soát một số ngành hàng công ích và chiến lược, nhưng cũng có mặt trên cả những lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân hoạt động hiệu quả hơn như ngân hàng, nông nghiệp hoặc viễn thông. Phân khúc cuối cùng trong bức tranh doanh nghiệp của Việt Nam là các công ty nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất phục vụ xuất khẩu và thường có năng suất cao hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước trên mọi lĩnh vực.

Vốn nhà nước - cơ sở hạ tầng hiệu quả

Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, mặc dù có sự chênh lệch về kết quả giữa các ngành. Kết quả trong ngành năng lượng rất cao, với 98% hộ gia đình được sử dụng điện vào năm 2018. Việt Nam cũng đạt kết quả rất tích cực trong ngành giao thông, cho dù không phải lúc nào công tác quy hoạch các công trình xây dựng mới cũng được phối hợp chặt chẽ. Trong lĩnh vực nước sạch, kết quả kém hơn do độ tin cậy của dịch vụ cấp nước đã giảm trong những năm gần đây. Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực thu gom và xử lý nước thải, là ngành có kết quả thấp nhất trong khu vực. Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục tăng cao, ước tính lên đến 25-30 tỷ USD mỗi năm, trong khi nguồn vốn hiện có chỉ đạt 15-18 tỷ USD. Việt Nam cần huy động thêm nhiều nguồn lực, nhưng quan trọng hơn cả là cần nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng để đóng góp nhiều hơn vào tăng năng suất lao động.

Vốn nguồn nhân lực - lao động có kỹ năng và cơ hội cho tất cả mọi người

Đầu tư vào nguồn vốn nhân lực có ý nghĩa quan trọng hơn khi nền kinh tế chuyển từ sản xuất hàng hóa và dịch vụ sử dụng nhiều lao động với kỹ năng thấp sang các hoạt động có năng suất cao và phức tạp hơn. Việt Nam đã làm tốt việc cung cấp các kỹ năng cơ bản cho hầu hết người dân. Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam xếp hạng cao hơn nhiều nước có mức thu nhập cao hơn. Giáo dục phổ thông và y tế giúp thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu và đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp, phần lớn là để xuất khẩu. Khi chuyển sang một nền kinh tế có năng suất cao hơn, đổi mới và sáng tạo hơn, Việt Nam cần nhiều lao động có kỹ năng, và khi phải đối mặt với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học nhanh chóng, cần thu hút thêm nhiều người vào lực lượng lao động cũng như cần một hệ thống giáo dục đáp ứng được nhu cầu về kỹ năng đang thay đổi. Hiện nay, đã có một nửa số doanh nghiệp tại Việt Nam coi việc thiếu lao động có chất lượng cao là một khó khăn chính khi mở rộng kinh doanh.

Vốn tự nhiên - nền kinh tế xanh

Nền kinh tế Việt Nam đã chuyển từ nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ trong hai thập kỷ qua, nhưng tài nguyên thiên nhiên vẫn đóng vai trò quan trọng. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn chiếm khoảng 15% trong toàn nền kinh tế, tài nguyên thiên nhiên là đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu như sản xuất đồ nội thất, cảnh quan thiên nhiên và bãi biển xinh đẹp thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến thăm. Hơn nữa, không khí và nguồn nước trong lành rất cần cho sức khỏe và hạnh phúc của con người. Để thiên nhiên tiếp tục cung cấp những dịch vụ quan trọng này, tài nguyên phải được sử dụng một cách bền vững và hiệu quả hơn.

Ma trận chính sách

Phát triển dựa vào năng suất lao động và đổi mới sáng tạo sẽ phụ thuộc vào việc xác định các mục tiêu ưu tiên và đề xuất những chính sách cụ thể để củng cố nguồn vốn của đất nước. Cụ thể là:

Khuyến khích cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập hay rời khỏi thị trường để đảm bảo nguồn lực sẽ được đưa vào những công ty sáng tạo và hiệu quả nhất. Điều này chỉ có thể thực hiện được trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính, quy định minh bạch và doanh nghiệp được pháp luật bảo vệ.

Việt Nam đã xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng bây giờ là nâng cao hiệu quả đầu tư và xây dựng thêm các công trình và có lẽ quan trọng hơn nữa là tăng cường công tác vận hành, bảo trì. Nhờ đó sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở hạ tầng này.

Mặc dù có thứ hạng cao về giáo dục phổ thông, nhưng lại thiếu lao động có trình độ đại học và trên đại học, cũng như lao động có kỹ năng nghề. Nâng cao kỹ năng sẽ giúp tăng lương cho người lao động và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Những người phải đối mặt với các rào cản gia nhập thị trường lao động thường có thông tin hạn chế trong quá trình học tập, tìm kiếm việc làm (bao gồm cả người dân tộc thiểu số). Những người này cần có cơ hội lớn hơn để tiếp cận với thị trường lao động, không chỉ vì lý do công bằng mà còn vì hiệu quả kinh tế khi số người trong độ tuổi lao động giảm xuống.

Để phát triển bền vững, cần chuyển từ việc sử dụng tài sản tự nhiên nhằm mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn sang sử dụng tài nguyên thiên nhiên (bao gồm đất đai, không khí và nước sạch) một cách bền vững và hiệu quả hơn. Ở các nước giàu, vốn tự nhiên đang tăng lên chứ không phải giảm xuống do việc sử dụng các nguồn vốn này ngày một hiệu quả hơn.

Rõ ràng, để thúc đẩy 4 nguồn vốn quan trọng, cần có một chính sách nhất quán, trong đó tập trung vào các tiêu chí: thúc đẩy thị trường, hiện đại hóa thể chế, rà soát chính sách ưu đãi (như trong bảng ma trận chính sách dưới đây).

 

Thúc đẩy thị trường

Hiện đại hoá thể chế

Rà soát chính sách ưu đãi

Vốn tư nhân:

doanh nghiệp năng động

- Đảm bảo nguồn lực đến với những công ty có năng suất cao nhất bằng cách đổi mới khung pháp lý về phá sản để tạo điều kiện cho công ty gia nhập và rời thị trường.

- Tái khẳng định cam kết trao đổi thương mại trên cơ sở luật pháp để thúc đẩy cạnh tranh và dòng kiến thức.

- Tạo ra một sân chơi bình đẳng với các quyền lợi, quy tắc, quy định minh bạch và có hiệu lực.

- Cải cách khu vực tài chính bằng cách loại bỏ sự can thiệp trực tiếp, thiên vị của nhà nước; cải thiện khung giám sát và xử lý nợ của ngân hàng cũng như khuyến khích ngân hàng số và phát triển thị trường vốn.

- Sử dụng các chương trình thông tin, hợp tác công - tư và các công cụ tương tự để tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, cũng như giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

- Thúc đẩy đổi mới thông qua tăng cường quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ xây dựng năng lực quản lý và nghiên cứu.

Vốn nhà nước:

cơ sở hạ tầng hiệu quả

- Tăng năng suất trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng bằng những chuẩn mực đấu thầu cạnh tranh, cho phép khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn và đa dạng hoá các phương án tài chính.

- Về phía cầu, tăng giá và phí để thu hồi chi phí cung cấp dịch vụ.

- Tăng cường năng lực lập kế hoạch, điều phối, cân đối vốn và thực hiện, đặc biệt là ở cấp địa phương với những cơ quan, ban ngành được phân cấp nhiều hơn về trách nhiệm cũng như nguồn thu.

- Xây dựng hệ thống thông tin toàn diện hơn để hỗ trợ công tác lập kế hoạch và giám sát.

- Hỗ trợ giảm nhẹ tác động của việc tăng giá và phí dịch vụ tiện ích đối với người nghèo, không phải bằng mức phí thấp mà thông qua các công cụ như giá dịch vụ cơ bản (lifeline tariff), trợ cấp những hoạt động đầu tư hiệu quả hoặc hỗ trợ tài chính trực tiếp thông qua các hệ thống bảo trợ xã hội.

Vốn nhân lực: lao động có kỹ năng và cơ hội cho tất cả mọi người

- Huy động sự tham gia của khu vực tư nhân để đa dạng hoá các loại hình giáo dục sau phổ thông nhằm tăng tỷ lệ nhập học và đảm bảo hình thành các kỹ năng đáp ứng nhu cầu đang thay đổi.

- Thúc đẩy sự tham gia ngày càng tích cực của tư nhân trong lĩnh vực giáo dục với nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát và phối hợp của nhà nước.

- Hướng tới phân bổ vốn cho giáo dục dựa trên kết quả đầu ra, trong đó có các mô hình dựa trên phiếu hỗ trợ đi học.

- Sử dụng Chương trình mục tiêu quốc gia để gỡ bỏ rào cản đối với các dân tộc thiểu số về phát triển vốn nhân lực, trong đó tập trung vào:

+ Khắc phục tình trạng thấp, còi, suy dinh dưỡng trong thời kỳ sơ sinh.

+ Tăng khả năng tiếp cận đến giáo dục phổ thông và sau phổ thông có chất lượng tốt hơn.

+ Hội nhập vào thị trường lao động.

- Tăng cường chăm sóc trẻ em và người già để khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động; xem xét hỗ trợ bằng tiền có điều kiện để tăng tỷ lệ nhập học.

Vốn tự nhiên:

nền kinh tế xanh

- Điều chỉnh giá sử dụng tài nguyên thiên nhiên để tính đến những ngoại ứng tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe con người.

- Sử dụng thuế môi trường, phí và giá carbon để giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm, thí điểm đấu giá điện mặt trời để thúc đẩy năng lượng tái tạo.

- Bổ trợ cho việc áp dụng cơ chế giá thị trường với việc đưa ra các mục tiêu tham vọng, cùng với khung pháp quy và cơ chế giám sát.

- Nâng cấp hệ thống thông tin thông qua xây dựng tài khoản vốn tự nhiên và tăng cường hệ thống dữ liệu không gian địa lý.

- Áp dụng các sáng kiến về dữ liệu mở để đẩy mạnh khả năng sử dụng dữ liệu và nhờ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và các quan hệ đối tác.

- Tăng cường giáo dục về môi trường để khuyến khích những thói quen “xanh hơn”.

- Gắn các chính sách của ngành với tăng trưởng xanh.

- Khuyến khích những người ra quyết định (ví dụ bằng cơ chế chuyển giao ngân sách có liên quan đến sinh thái).

- Thúc đẩy những sáng kiến đổi mới sáng tạo giúp tăng năng suất của tài sản tự nhiên và giảm chất thải (ví dụ như internet vạn vật).

- Khuyến khích cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn (ví dụ như phát triển các khu công nghiệp sinh thái, đồng đốt rác thải, tái sử dụng nước thải, quản lý vật liệu).

 

Nhóm nghiên cứu của WB

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)