Thứ ba, 30/06/2020 14:32

Nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp

Nhằm đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung, phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) trong nông nghiệp nói riêng, ngày 19/6/2020, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Viện Khoa học SHTT (VIPRI), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội thảo "Quản trị TSTT và công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN) phục vụ hoạt động tạo dựng, bảo hộ và phát triển TSTT trong nông nghiệp"; triển khai Trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ SHCN (IPPlatform) tại VAAS và tổ chức “Ngày hội SHTT” cho đoàn viên, nghiên cứu viên trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nay, hoạt động tạo dựng, bảo hộ và phát triển TSTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học còn khiêm tốn. Nhằm thúc đẩy hoạt động này, Hội thảo "Quản trị TSTT và công cụ khai thác thông tin SHCN phục vụ hoạt động tạo dựng, bảo hộ và phát triển TSTT trong nông nghiệp" đã được tổ chức tại VAAS vào ngày 19/6/2020. Mở đầu buổi Hội thảo, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ KH&CN Lê Vũ Tiến đã nêu lên sự cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động SHTT. Theo Bí thư Lê Vũ Tiến, nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng của Việt Nam do không đăng ký SHTT nên đã phải chịu thiệt trên thị trường thế giới. Vì vậy, hiểu rõ các quyền SHTT không chỉ giúp cho các tổ chức nghiên cứu mà cả người nông dân đang sử dụng và khai thác các sản phẩm chứa quyền SHTT nâng cao được giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Các đại biểu tham quan sản phẩm được giới thiệu tại Hội thảo.

Thông qua bài tham luận của mình về quản trị TSTT trong doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo, nghiên cứu, TS Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng VIPRI đã nhấn mạnh, hoạt động quản trị TSTT nếu không được triển khai tốt sẽ dẫn đến những tổn thất nặng nề cho đơn vị nghiên cứu cũng như các nhà khoa học, gây lãng phí tài nguyên trí tuệ, làm giảm sút, triệt tiêu hiệu quả đầu tư và động lực sáng tạo, đồng thời đánh mất cơ hội, khả năng cạnh tranh, chưa kể những tổn thất về uy tín và tài chính do vướng vào các tranh chấp, kiện tụng về pháp lý. Cũng theo TS Nguyễn Hữu Cẩn, hiện nay quyền SHTT trong lĩnh vực nông nghiệp là một vấn đề có tác động trực tiếp đến quá trình tạo ra sản phẩm và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Các nhà khoa học cần nhận thức đúng tầm quan trọng của quyền SHTT trong các nghiên cứu, đặc biệt cho mục đích phát triển sản phẩm. Quyền SHTT cho phép chủ thể quyền được hưởng độc quyền sử dụng SHTT; không một cá nhân hoặc tổ chức nào được phép sử dụng sáng chế mà không được sự cho phép của chủ thể quyền.

Trên thực tế, hiện nay các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước đang có xu hướng đẩy mạnh công bố quốc tế nhằm khẳng định chất lượng nghiên cứu và uy tín của đơn vị. Bên cạnh chỉ tiêu về công bố khoa học, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích cũng là một thước đo quan trọng đối với các đơn vị nghiên cứu và đào tạo. Vì vậy, công bố khoa học và quyền SHTT được xem là hai dạng TSTT quan trọng nhất, trong đó sự thành công hay uy tín của các đơn vị thể hiện ở việc chứa đựng quyền SHTT trong các sản phẩm thương mại hóa. Tuy nhiên, trong quá trình tạo dựng và bảo hộ SHTT do chưa nắm rõ quy trình đăng ký xác lập quyền SHTT, thời gian xem xét và cấp bằng bảo hộ kéo dài, kinh phí duy trì bảo hộ tương đối lớn... đã khiến nhiều tổ chức nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp không thực hiện việc đăng ký xác lập quyền SHTT cho TSTT của mình, dẫn đến không được hưởng quyền lợi về vật chất mà kết quả nghiên cứu có thể mang lại.

Trong các tổ chức nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay, việc quản trị và phát triển giá trị của các TSTT còn chưa xứng với tiềm năng cũng như vị thế của các tổ chức đó. VAAS là một đơn vị nghiên cứu KH&CN trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực trồng trọt (gồm 5 viện vùng, 12 viện và trung tâm nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, 2 viện và trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông) với nguồn lực KH&CN dồi dào (3.385 cán bộ nghiên cứu, trong đó có 28 giáo sư và phó giáo sư, 271 tiến sỹ, 948 thạc sỹ). Hàng năm, VAAS tạo ra hàng chục loại giống cây trồng và tiến bộ kỹ thuật mới, đồng thời chuyển giao hàng loạt các kết quả nghiên cứu KH&CN cho các bên liên quan. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến nay, VAAS mới chỉ có 250 đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT, trong đó có 139 văn bằng bảo hộ được cấp và 113 đối tượng SHTT được khai thác thương mại. Những con số này rất khiêm tốn so với quy mô và tầm vóc của một tổ hợp nghiên cứu có nhiều tiềm năng và sản phẩm đã được ứng dụng rộng rãi trong cả nước như VAAS. Trước đây, các TSTT của VAAS (giống cây trồng, tiến bộ kỹ thuật) đa phần là miễn phí để phục vụ cho bà con sản xuất nông nghiệp thông qua hệ thống khuyến nông. Tuy vậy, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp có sự tham gia của các doanh nghiệp, VAAS cần phải có những bước đi nhằm chuyển đổi sang giai đoạn thị trường hóa các sản phẩm KH&CN nêu trên. Như vậy, trong tương lai nhu cầu của doanh nghiệp về các TSTT sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc VAAS và các đơn vị trực thuộc cần phải đẩy mạnh hơn quá trình thiết lập quyền SHTT và quản trị tốt các TSTT của mình để trở thành người cung cấp “vốn chất xám” hiệu quả.

Nhằm giúp các đơn vị nghiên cứu thuộc VAAS có thể truy cập, tra cứu và cập nhật thông tin SHCN, VAAS đã phối hợp với VIPRI triển khai và vận hành hệ thống IPPlatform (http://ipplatform.vipri.gov.vn/) tại trụ sở của VAAS. Hệ thống này là nền tảng dữ liệu và dịch vụ SHCN được VIPRI phối hợp với Cục SHTT, Công ty Cổ phần ứng dụng KH&CN MITEC và các đối tác thiết kế, xây dựng. IPPlatform thuộc bản quyền của VIPRI, là sản phẩm thuộc Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020. Về mặt cấu trúc, IPPlatform chứa nền tảng dữ liệu SHCN và nền tảng dịch vụ thông tin SHCN. Cụ thể, IPPlatform chứa các dữ liệu về đối tượng SHCN đã đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam (do Cục SHTT cung cấp và cập nhật), dữ liệu về đối tượng SHCN đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam, dữ liệu liên quan do người sử dụng cung cấp được xác thực và dữ liệu phát sinh trong quá trình thực hiện các dịch vụ SHCN. Với những ưu điểm trong hỗ trợ tra cứu và khai thác thông tin SHCN, nền tảng IPPlatform đã nhận được giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam năm 2019 (VIFOTEC).

Khai trương hệ thống IPPlatform tại VAAS.

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh hoạt động SHTT tại VAAS nói riêng, lĩnh vực nông nghiệp nói chung, VAAS và VIPRI đã ký kết thỏa thuận hợp tác về SHTT. Các lĩnh vực hợp tác về SHTT giữa VAAS và VIPRI bao gồm tư vấn, thông tin, đào tạo, giám định, thẩm định giá, nghiên cứu khoa học về SHTT, nhằm phục vụ và hỗ trợ hoạt động phát triển và quản trị TSTT của các tổ chức, cá nhân thuộc VAAS. Bên cạnh đó, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với VIPRI giúp tăng cường năng lực, trợ giúp kỹ thuật cho cán bộ của VAAS trong quá trình triển khai hoạt động nghiên cứu, là cơ hội cho việc tạo lập TSTT trong hầu hết các sản phẩm, kết quả khoa học của VAAS. Đây là nguồn tài sản cố định, thực sự mang lại giá trị KH&CN và có tiềm năng khai thác cao.

Ký kết thỏa thuận hợp tác về SHTT giữa VIPRI và VAAS.

Chu Hà

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)