Thứ năm, 02/07/2020 15:13

Cục Sở hữu trí tuệ: Một số kết quả hoạt động nổi bật

Bài viết giới thiệu một số kết quả hoạt động nổi bật của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong thời gian vừa qua, nhất là năm 2019. Những kết quả này đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Trong thời gian qua, hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dưới đây xin điểm lại một số kết quả chính trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, hợp tác quốc tế về SHTT, xử lý đơn sở hữu công nghiệp (SHCN), phát triển tài sản trí tuệ (TSTT)...

Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về SHTT của Cục SHTT. Năm 2019 đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trong công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT, trong đó nổi bật nhất là việc xây dựng Chiến lược SHTT đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 22/8/2019, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về SHTT; khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT (được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2019. Các nội dung liên quan đến SHTT trong Luật này tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn, gồm: cách thức nộp đơn; sáng chế; nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý và bảo vệ quyền SHTT). Cùng với việc sửa đổi Luật SHTT để thi hành cam kết theo Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Cục đã lập Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT nhằm giải quyết các vướng mắc và bất cập sau hơn 10 năm thi hành, cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Hồ sơ Đề nghị đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Bên cạnh đó, Cục cũng thường xuyên đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực SHTT do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo như: Công ước về công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án…

Cục đã tham gia đàm phán nội dung về SHTT trong một số hiệp định thương mại tự do và chuẩn bị cho quá trình ký kết, phê chuẩn các Hiệp định đã kết thúc đàm phán như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Newzealand (RCEP)…

Với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về SHTT, Cục thường xuyên thực hiện việc giải đáp và hướng dẫn thực hiện pháp luật về SHTT cho các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và doanh nghiệp, như giải đáp vướng mắc về việc rút ngắn thời gian thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ SHCN; về đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN... Ngoài ra, Cục còn tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm thi hành những điều ước quốc tế về SHTT, như cung cấp thông tin về hoạt động bảo hộ quyền SHTT trong năm 2019 theo yêu cầu của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; chuẩn bị nội dung và tham dự phiên họp Hội nghị liên Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia...

Hợp tác quốc tế về SHTT

Năm 2019 tiếp tục là một năm thành công của hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao đa phương. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam tham gia kỳ họp Đại hội đồng Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) và có các hoạt động ngoại giao nổi bật. Thay mặt ASEAN và Việt Nam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã có hai bài phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng WIPO, trong đó nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ trưởng cũng nêu bật các thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN, như sự gia tăng liên tục của Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) trong những năm vừa qua; việc ban hành Chiến lược SHTT đến năm 2030 và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật SHTT.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (giữa) phát biểu tại Đại hội đồng WIPO 2019.

Tại kỳ họp lần này, Việt Nam đã được bầu vào Ủy ban Điều phối và Ủy ban Kế hoạch và ngân sách của WIPO, đây là hai ủy ban quan trọng phụ trách vấn đề nhân sự và tài chính.

Bên lề hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã trao văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay cho Tổng giám đốc WIPO. Với việc gia nhập này, Việt Nam đã trở thành Thành viên của cả 3 điều ước về đăng ký quốc tế đối với sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp do WIPO quản lý. Việc gia nhập điều ước này là một bước tiến của Việt Nam nhằm thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký kiểu dáng công nghiệp ra nước ngoài; cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh của Việt Nam, góp phần thúc đẩy công cuộc hội nhập kinh tế sâu rộng của nước ta. Nhân dịp này, Cục SHTT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về môi trường SHTT kiến tạo với WIPO, góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực về SHTT và đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ của các viện nghiên cứu, trường đại học trong hoạt động nghiên cứu/sáng tạo, đăng ký và thương mại hóa các sáng chế, cũng như chuyển giao công nghệ.

Năm 2019 cũng đánh dấu lần đầu tiên Cục SHTT đảm nhận vị trí Chủ tịch Nhóm công tác về hợp tác SHTT ASEAN (AWGIPC) kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức này năm 1995. Bên cạnh đó, Cục SHTT cũng tăng cường đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương với các cơ quan SHTT lớn như Cơ quan SHTT Liên bang Nga, Cục SHTT quốc gia Trung Quốc… Đồng thời, duy trì và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác truyền thống như Cơ quan SHTT Hàn Quốc, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Lào, Cu Ba…

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí (phải) tiếp nhận vị trí Chủ tịch AWGIPC từ Indonessia.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian qua đã đi vào chiều sâu, góp phần đắc lực trong việc nâng cao năng lực của Cục SHTT. Cụ thể, Cục bắt đầu triển khai Dự án “Hiện đại hóa hệ quản trị đơn SHCN của Cục SHTT” (Dự án WIPO IPAS). Cấu phần quản trị đơn kiểu dáng công nghiệp chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2019 và WIPO IPAS dự kiến sẽ được vận hành đầy đủ vào cuối năm 2020. Cục đã ký kết và triển khai Chương trình PPH thử nghiệm với Cơ quan SHTT Hàn Quốc (KIPO) từ tháng 6/2019… Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo cán bộ tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh thông qua sự trợ giúp của một số đối tác lớn như WIPO, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản và Cơ quan SHTT các nước Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Có thể nói, hợp tác quốc tế về SHTT trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đưa Việt Nam trở thành một “đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm” của ASEAN cũng như WIPO. Các hoạt động hợp tác này còn góp phần thiết thực nâng cao năng lực của Cục SHTT cũng như hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của hệ thống SHTT Việt Nam.

Tiếp nhận, xử lý đơn SHCN và phát triển TSTT

Số lượng đơn SHCN được Cục tiếp nhận và xử lý ngày càng tăng. Tính riêng năm 2019, Cục đã tiếp nhận 93.909 đơn các loại, trong đó có 14.820 đơn nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp, lượng đơn được xử lý trong năm 2019 tăng 51,7% so với năm 2018, trong đó, nhãn hiệu quốc gia tăng 67%, sáng chế tăng 48,7%. Số văn bằng bảo hộ SHCN cấp ra năm 2019 tăng trên 40% so với năm 2018. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng lượng đơn xử lý được trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 26.036 (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019); số văn bằng bảo hộ SHCN cấp tăng 18,1%, trong đó số Bằng độc quyền sáng chế tăng 56,7%.
Cục đã cấp 9 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và 280 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc thù của địa phương trong năm 2019; triển khai Dự án “Xây dựng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia”, triển khai Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý giữa Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương; đẩy mạnh bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tích cực tham gia Chương trình thương hiệu quốc gia, các Chương trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực quốc gia, ngành và địa phương; triển khai Dự án Xây dựng mạng lưới các trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (IP-HUB/TISC).

Trong khuôn khổ Chương trình phát triển TSTT (Chương trình 68) giai đoạn 2016-2020, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược SHTT và quản trị TSTT được đẩy mạnh, góp phần giúp doanh nghiệp quản lý và khai thác tốt nguồn TSTT, từ đó phát huy lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Nhiều dự án đã và đang được thực hiện tại các doanh nghiệp và dần phát huy hiệu quả như dự án xây dựng, vận hành tổ chức quản lý hoạt động SHTT và quản trị TSTT tại Công ty Cổ phần sữa Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Công ty Cổ phần Vĩnh Thắng...

Nhằm tăng cường công tác nghiên cứu, triển khai, đưa các sáng chế và kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống, Chương trình 68 tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ khai thác, áp dụng sáng chế của nhiều tổ chức KH&CN và doanh nghiệp Việt Nam như: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa... Qua đó giúp khẳng định giá trị các kết quả nghiên cứu khi được đưa vào khai thác một cách phù hợp và hiệu quả trên thực tế.

Một trong những điểm đáng lưu ý của năm 2019 là Chương trình 68 đã tăng cường hỗ trợ việc bảo hộ, quản lý và nâng cao giá trị các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương. Chương trình đã hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý và công tác kiểm soát nguồn gốc, quản lý chất lượng và khai thác, phát triển quyền SHTT sau khi được bảo hộ cho 20 sản phẩm chủ lực như: cam Cao Phong, bưởi năm roi Bình Minh, tôm sú Cà Mau, vịt Cổ Lũng, chuối ngự Đại Hoàng…

Thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển TSTT, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các sản phẩm chủ lực địa phương, Chương trình 68 nói riêng và hoạt động SHTT nói chung đã trực tiếp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì và tem nhãn, thay đổi thói quen của cộng đồng từ việc sản xuất, phát triển sản phẩm tự do thành sản xuất kinh doanh sản phẩm được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng. Việc bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa.

Có thể nói, Chương trình 68 đã góp phần quan trọng khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, dần tạo dựng văn hóa SHTT trong cộng đồng xã hội.

Đào tạo, tuyên truyền về SHTT

Nhằm góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Cục SHTT và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương, trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng về SHTT đã được Cục đẩy mạnh. Tính riêng trong năm 2019, đã có 70 lớp đào tạo, bồi dưỡng về SHTT được tổ chức trong nước với hơn 5.400 lượt người tham dự đến từ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, sinh viên, giảng viên đại học, viện nghiên cứu và hội nghề nghiệp tham dự (cao hơn so với năm 2018 chỉ có 6 lớp với 385 học viên). Hình thức và nội dung đào tạo được thực hiện bài bản, phong phú và từng bước đáp ứng nhu cầu của học viên, góp phần hoàn thành những nhiệm vụ và mục tiêu đào tạo của Cục theo chủ trương của Chính phủ, Bộ KH&CN và yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ KH&CN trong việc tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến vai trò, tầm quan trọng của SHTT trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp nâng cao nhận thức của công chúng, Cục đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền rộng rãi. Cụ thể, Cục đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 26 hội nghị, tọa đàm và sự kiện cộng đồng về SHTT với 2.753 lượt người từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nhân, viện nghiên cứu, trường đại học, tầng lớp thanh niên, sinh viên. Trong đó có nhiều sự kiện lớn được tổ chức đã tác động tích cực tới công chúng, điển hình như chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày SHTT thế giới 26/4; Cuộc thi sáng chế và Lễ trao giải năm 2018. Năm 2019 Cục phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan SHTT nước ngoài tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo thu hút các đối tượng đến từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, hội nghề tham dự, như: Hội thảo về “SHTT, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội”, chuỗi hội thảo về “Sử dụng hiệu quả Hiệp ước hợp tác về sáng chế (Hệ thống PCT) dành cho người dùng tại Việt Nam” (phối hợp với WIPO); Hội thảo “Chỉ dẫn địa lý” (phối hợp với Dự án ARISE + IPR của Liên minh châu Âu); Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản)… Qua đó đã giúp đại biểu tham dự sớm tiếp cận những vấn đề mới của SHTT và những kinh nghiệm trong tạo lập, quản lý, khai thác TSTT từ các nước khác nhau để có kế hoạch, chiến lược và áp dụng vào thực tiễn quản lý, sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Thu Hiền

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)