Thứ tư, 24/04/2024 16:04

Sơ kết Chương trình hợp tác trong hoạt động khoa học và công nghệ với tỉnh Sóc Trăng

Ngày 23/04/2024, Viện Ứng dụng công nghệ (NACENTECH), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng với Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác KH&CN giữa các bên giai đoạn 2016-2023 và trao đổi, thảo luận để đưa ra định hướng cho giai đoạn 2024-2030.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác KH&CN.

Kết quả đã đạt được

Kể từ thời điểm ký kết Biên bản hợp tác ngày 12/09/2016, NACENTECH đã phối hợp đề xuất xây dựng và thực hiện nhiều nhiệm vụ, đề tài, dự án KH&CN nhằm triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và thu được nhiều kết quả tích cực.

Phó Viện trưởng phụ trách NACENTECH Hoàng Ngọc Nhân phát biểu tại Hội nghị.

Đề tài cấp Bộ "Xây dựng giải pháp công nghệ và mô hình hệ thống xử lý thông tin tích hợp hỗ trợ công tác chăm sóc cánh đồng lúa giống phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Sóc Trăng" được thực hiện từ tháng 01/2018 đến tháng 06/2019. Đề tài đã xây dựng thành công giải pháp công nghệ và mô hình hệ thống xử lý thông tin tích hợp hỗ trợ công tác chăm sóc cánh đồng lúa giống tại tỉnh Sóc Trăng. Giải pháp cung cấp khả năng giám sát được tình hình canh tác lúa, theo dõi được sự phân bố cơ cấu mùa vụ theo các vùng đất; theo dõi tình hình sâu bệnh trên lúa qua các năm, phát hiện các hiện tượng bất thường để có giải pháp phòng, trừ hiệu quả, góp phần tăng năng suất chất lượng lúa giống. Ngoài ra, kết quả đề tài được ứng dụng giúp giảm kinh phí điều tra báo cáo thực địa; giảm thất thoát sản lượng do dịch hại và giúp các nhà hoạch định chính sách tại địa phương có được các giải pháp hiệu quả, chính xác trong quản lý, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến bột giàu protein và bột giàu canxi từ lòng trắng, vỏ trứng vịt muối phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Sóc Trăng” thực hiện từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2020. Đề tài đã chế biến thành công 5 kg mẫu bột giàu protein từ lòng trắng trứng vịt muối và 5 kg mẫu bột giàu canxi từ vỏ trứng vịt muối; 1 quy trình công nghệ sản xuất bột giàu protein từ lòng trắng trứng vịt muối; 1 quy trình công nghệ sản xuất bột giàu canxi từ vỏ trứng vịt muối. Các quy trình công nghệ này sẵn sàng để chuyển giao, và có thể được cải tiến cho phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Đề tài cấp cơ sở “Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hóa, đẩy mạnh quảng bá du lịch khu vực chùa Dơi, tỉnh Sóc Trăng” thực hiện từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2019. Các sản phẩm của đề tài gồm: Ứng dụng thử nghiệm về du lịch thông minh cho khu vực chùa Dơi Sóc Trăng; Mô hình thực tế ảo dưới dạng đồ họa 3D khu vực chùa Dơi Sóc Trăng; báo cáo nghiên cứu về công nghệ VR (thực tế ảo), AR (thực tế tăng cường) và mô hình du lịch thông minh cho khu vực Chùa Dơi. Đây là giải pháp cụ thể, khả thi, triển khai nhanh, có khả năng hỗ trợ quảng bá du lịch, góp phần tăng hiệu quả khai thác thế mạnh du lịch của tỉnh Sóc Trăng, giúp thu hút thêm khách du lịch và góp phần hoàn thiện mô hình du lịch thông minh cho địa phương.

Đề tài cấp cơ sở “Đánh giá một số giải pháp ức chế sự phát triển của hạt quả mãng cầu xiêm (Annona muricata)” thực hiện từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2019. Mãng cầu xiêm là trái cây có tiềm năng kinh tế cao vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc tạo quả không hạt/ít hạt giúp người dân giảm chi phí sản xuất, ngoài ra, quả không hạt/ít hạt giúp tăng chất lượng quả và được người dùng ưa chuộng ức chế sự phát triển của hạt với chi phí thấp trong thời gian ngắn, gia tăng được lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, tiện ích cho người sử dụng, tăng thu nhập cho người nông dân.

Đề tài độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong bảo quản, chế biến hành tím (Allium ascalonium) tại tỉnh Sóc Trăng” thực hiện từ tháng 12/2019 đến tháng 06/2023. Các quy trình bảo quản và chế biến củ hành tím nghiên cứu từ đề tài đã góp phần giảm tỷ lệ thối, hỏng, hạn chế tổn thất sau thu hoạch; tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao, ổn định; kéo dài thời gian lưu trữ, giảm áp lực về thời gian và khả năng tiêu thụ trên thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm từ củ hành tím. Đề tài đã liên kết với Công ty CP TECHPAL xây dựng được 1 mô hình bảo quản hành tím (quy mô 10 tấn/mẻ) và 1 mô hình chế biến các sản phẩm (hành lát khô, bột hành khô, hành tím đen) đặt tại Trung tâm ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng. Các sản phẩm của đề tài đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao do UBND TP Sóc Trăng chứng nhận. Kết quả của đề tài góp phần phát triển nhân lực, năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu tham gia thực hiện đề tài; củng cố, phát triển mối liên kết trong nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm, trao đổi kinh nghiệm phát triển và ứng dụng công nghệ, sản phẩm công nghệ sinh học giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp sản xuất.

Định hướng giai đoạn tới

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024-2030.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác giữa các bên, Hội nghị đã xác định một số định hướng chung cho hoạt động KH&CN của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới:

Một là, tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng, nhận chuyển giao những thành tựu của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; trong đó, ưu tiên chuyển giao tiến bộ KH&CN trong các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chọn tạo giống, chế biến và bảo quản nông sản, công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo, khoa học y dược và thích ứng với biến đổi khí hậu theo xu thế của cuộc cách mạng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh hợp tác về KH&CN, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các tỉnh, thành phố và quốc gia.

Ba là, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Nghiên cứu và cập nhật các xu thế phát triển của khu vực, giải pháp, lộ trình đổi mới, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong điều kiện của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu đặc điểm hình thành và phát triển văn hóa, dân tộc, tôn giáo ở tỉnh Sóc Trăng và tác động của các xu thế mới; xây dụng văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xuân Bình

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)