Thứ tư, 16/08/2023 10:32

Cà Mau: Xây dựng mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực

Mai Xuân Hương1, Phạm Minh Dũng2, Nguyễn Văn Hải2

1Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau

2Trung tâm Giống nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau

 

Thông qua việc thực hiện dự án: “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP tại vùng bắc Cà Mau, tỉnh Cà Mau” thuộc Chương trình hỗ trợ, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 do Bộ KH&CN quản lý, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau) đã xây dựng thành công mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực đạt chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trên cùng một diện tích sản xuất, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi

Thống kê cho thấy, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 220.000 ha luân canh lúa - tôm, trong số đó khoảng 1/4 diện tích lúa - tôm đang được triển khai ở tỉnh Cà Mau và cho hiệu quả kinh tế tương đối tốt. Để đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, các địa phương trong vùng, trong đó có Cà Mau đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như hỗ trợ cây/con giống, đẩy mạnh liên kết bốn nhà trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; đầu tư xây dựng, mở rộng vùng chuyên canh lúa - tôm theo hướng hữu cơ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để kích thích sản xuất và tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Là tỉnh ven biển trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - “vựa lúa” và vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước, Cà Mau có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 300.000 ha nuôi trồng thuỷ sản. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt khoảng 608.966 tấn; giá trị kim xuất khẩu tôm mỗi năm đạt trên 1,3 tỷ USD, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Diện tích canh tác lúa toàn tỉnh khoảng 100.083 ha (trong đó 40.000 ha diện tích lúa - tôm), cơ cấu mùa vụ phong phú: hai vụ lúa/năm (lúa mùa, lúa lấp vụ hai) hoặc một vụ lúa - một vụ màu. Thời gian gần đây, mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa ở nhiều huyện/thị xã trên địa bàn tỉnh đã gia tăng nhanh chóng, hiện nay, trung bình khoảng 18.000 ha/năm.

Năm 2022, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2022 của tỉnh là 1.930,03 ha, trong đó chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là 1.831,38 ha và chuyển sang trồng cây lâu năm là 98,65 ha. Năm 2023, Cà Mau có kế hoạch chuyển đổi 256,2 ha cây trồng trên đất lúa, trong đó 4,7 ha sang cây hàng năm, 79,5 ha sang cây lâu năm và 92,5 ha sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt hướng tới phát triển mô hình tôm - lúa.

 “Con tôm ôm cây lúa”

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, sạt lở và xâm nhập mặn, những năm qua, Cà Mau đã từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo mô hình nông - ngư - lâm nghiệp sang ngư - nông - lâm nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư nhiều đề tài/dự án nghiên cứu nhằm duy trì và phát triển mô hình canh tác lúa - tôm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, năm 2020, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau) đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện dự án: “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP tại vùng bắc Cà Mau, tỉnh Cà Mau” thuộc Chương trình hỗ trợ, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, được sự tạo điều kiện thuận lợi của cơ quan quản lý (Bộ KH&CN), cơ quan chủ quản ở địa phương (Sở KH&CN Cà Mau), sự cố gắng của cơ quan chủ trì (Trung tâm Giống nông nghiệp), cơ quan chuyển giao công nghệ (Trung tâm Giống thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang và Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Trường Đại học Cần Thơ), chính quyền địa phương, bà con nông dân..., dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, đảm bảo chất lượng sản phẩm và được ứng dụng ngay vào thực tiễn sản xuất.

Dự án đã tiếp nhận và làm chủ được 03 quy trình công nghệ: ương dưỡng tôm giống càng xanh toàn đực; nuôi tôm càng xanh toàn đực xen canh trong ruộng lúa; sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng thành công mô hình ương dưỡng 3.000.000 con tôm giống càng xanh toàn đực từ giai đoạn ấu trùng lên giai đoạn tôm bột với tỷ lệ sống >30%; xây dựng mô hình canh tác xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP (quy mô 200 ha, năng suất lúa đạt trung bình là 3,34 tấn/ha/vụ/năm, năng suất tôm càng xanh toàn đực đạt trung bình là 278 kg/ha/vụ/năm); đào tạo được 02 kỹ thuật viên ương tôm càng xanh và tập huấn cho 250 lượt người dân về các kỹ năng thực hành sản xuất lúa - tôm càng xanh.

Thông qua việc thực hiện dự án, nhận thức của người dân được nâng cao rõ rệt (người dân đã nắm vững và có kỹ năng thực hành quy trình công nghệ sản xuất lúa - tôm càng xanh theo tiêu chuẩn VietGAP), mức thu nhập tăng (thu nhập bình quân của mô hình là 50.208.500 đồng/ha cho mô hình sản xuất lúa - tôm càng xanh, giá bán lúa đạt tiêu chuẩn VietGap cao hơn 500-800 đồng/kg, giá tôm bán cao hơn bên ngoài mô hình từ 10.000-15.000 đồng/kg trong cùng thời điểm…). Bên cạnh đó, dự án cũng giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, trang bị kiến thức sản xuất cho người dân theo phương pháp an toàn sinh học, hướng đến sản xuất nông nghiệp thông minh và “thuận thiên” để phát triển bền vững.

Thành công của dự án là cơ sở quan trọng để Sở KH&CN Cà Mau tiếp tục triển khai 2 nhiệm vụ: 1) Thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) toàn đực bán thâm canh tại tỉnh Cà Mau; 2) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch nâng cao giá trị tôm càng xanh tại tỉnh Cà Mau nhằm phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất tôm - lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào mô hình lúa - tôm theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, tạo dựng môi trường xanh, sạch, trong lành ở vùng nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)