Thứ ba, 31/01/2023 10:19

Nam Định: hoạt động khoa học và công nghệ góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Năm 2022, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh Nam Định đã có những chuyển động tích cực. Nhiều nghiên cứu, ứng dụng KH&CN gắn với thực tiễn, nhất là trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao cùng với công cuộc chuyển đổi số đã góp phần tạo nên sắc màu tươi sáng vào bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.

Những kết quả đạt được

Thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Nam Định đã xây dựng Đề án khung nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Từ giữa năm 2021 đến nay, các đề tài KH&CN như “Đánh giá tiềm năng di truyền và phục tráng, phát triển giống lạc sen Nam Định”, “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái loài móng tay ở Vườn quốc gia Xuân Thủy phục vụ bảo tồn và khai thác bền vững”, “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái loài cáy mật ở Vườn quốc gia Xuân Thủy phục vụ bảo tồn và khai thác bền vững” đã và đang được triển khai tích cực. Các nghiên cứu bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen bản địa quý như khoai lang lim, gạo nếp cái hoa vàng Quần Liêu, gạo Dự Nam Mỹ, cam Hải Đường… tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Từ đó sẽ đề xuất các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của quốc gia và quốc tế trên địa bàn tỉnh, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương và phục vụ có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị…

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, ngành KH&CN đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực hiện các mục tiêu của 3 trụ cột trong chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong đó phát triển kinh tế số với trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương. Việc khai thác các ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các khâu sản xuất không chỉ ở các doanh nghiệp lớn mà đến nay hàng trăm trang trại, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản tư nhân cũng đã thực hiện như sử dụng “nhật ký điện tử” để theo dõi kiểm soát chi tiết quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Công ty TNHH Dịch vụ Xuân Hà An, xã Hải Đông (Hải Hậu) là đơn vị được tham gia thực hiện dự án KH&CN cấp tỉnh “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng chất lượng cao áp dụng công nghệ 4.0” với 6 công nghệ được ứng dụng là: điều khiển tự động thiết bị cấp khí theo nồng độ ô-xy trong nước; giám sát tự động chất lượng nước nuôi tôm; cấp thức ăn vào trong ao nuôi tôm; công nghệ quản lý trang trại nuôi tôm; tầm soát vi khuẩn gây bệnh; và xử lý nước nuôi tôm tuần hoàn. Đây là dự án mang tính đột phá, giúp nghề nuôi tôm của Nam Định phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực giáo dục, phối hợp hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ KH&CN như: “Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tuyến và trực tiếp) tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh”, “Ứng dụng các giải pháp công nghệ từng bước xây dựng trường học thông minh tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định”, “Ứng dụng các giải pháp công nghệ từng bước xây dựng trường học thông minh tại Trường THCS Tống Văn Trân, TP Nam Định”… Qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học này, từng bước tạo ra môi trường giáo dục thông minh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Trong phát triển du lịch, ứng dụng KH&CN còn đẩy mạnh số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm như: khu di tích đặc biệt quốc gia Đền Trần - Chùa Tháp; khu di tích Phủ Dầy; Chùa Cổ Lễ..., góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi các địa chỉ du lịch đặc sắc của tỉnh. Các ứng dụng phát triển nền tảng tư vấn hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, từng bước xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh, hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế công cộng; xây dựng hình ảnh, văn hóa của tỉnh trên không gian mạng… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaus vannamei) theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ sinh học thay thế thuốc kháng sinh và hóa chất” được thực hiện tại Công ty TNHH Sản xuất giống và nuôi thủy sản Hoàng Hiệp, xã Bạch Long (Giao Thủy). Trải qua 3 vụ nuôi với 3 thí nghiệm công thức nuôi khác nhau đã giúp Công ty lựa chọn quy trình kỹ thuật hoàn thiện về sử dụng thức ăn chế biến có nguồn gốc hữu cơ kết hợp với chế phẩm sinh học và thảo dược phòng bệnh thay thế kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm thẻ chân trắng phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương. Trong năm 2022, Công ty đã xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn cho hơn 100 lượt nông dân để từng bước ứng dụng ra diện rộng. Qua đó, góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa thực phẩm sạch, an toàn đối với người sử dụng, bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời đem lại hiệu quả tốt về môi trường sinh thái cửa biển, không gây ô nhiễm nguồn nước và phát sinh dịch bệnh, hướng đến nghề nuôi tôm bền vững.

Định hướng phát triển KH&CN Nam Định

Trong thời gian tới, Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển KH&CN các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

Lĩnh vực công nghiệp: hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đổi mới công nghệ áp dụng các công cụ hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh.

Lĩnh vực nông nghiệp: ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (trong đó có thực hiện đề án công nghệ sinh học), nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh: lúa chất lượng cao, lúa giống, lạc, khoai tây, ngao, tôm, cá… một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Lĩnh vực tài nguyên môi trường: nghiên cứu, ứng dụng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; bản đồ số; triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.

Lĩnh vực giao thông: nghiên cứu, ứng dụng triển khai hệ thống giám sát giao thông thông minh tại các đô thị; thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển, khai thác hệ thống kho, bến, bãi phục vụ vận tải và logistics. Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện. Số hóa thông tin hạ tầng giao thông trên bản đồ số phục vụ xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, quản lý quy hoạch giao thông.

Những “gam màu” tươi sáng trong bức tranh KH&CN với những hiệu quả rõ rệt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh sẽ là động lực, đòn bẩy quan trọng để tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm đầu tư đưa nhanh các thành tựu, kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống. Qua đó, khẳng định vai trò của KH&CN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đúng như mục tiêu định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

NA

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)